Nghiêm trị nạn ném đá tàu xe

Nạn ném đá vào đoàn tàu đang chạy, vào xe trên cao tốc là vấn nạn đáng báo động.

Mới nhất, công an ở Quảng Trị đã làm việc với phụ huynh và nhắc nhở, giáo dục 6 em thiếu nhi, thiếu niên do ném đất đá vào đoàn tàu đang chạy đêm 22/7.

Trước đó, cũng trong tháng 7, phụ tàu hàng tuyến Hà Nội – Lào Cai là anh Nguyễn Văn Quân khi đi qua tỉnh Yên Bái đã bị ném đá vỡ đầu, phải nhập viện khâu 10 mũi.

Công an Quảng Trị yêu cầu 6 em thiếu nhi, thiếu niên do ném đất đá vào đoàn tàu đang chạy viết bản tường trình và cam kết không tái phạm. Ảnh PLO.

Công an Quảng Trị yêu cầu 6 em thiếu nhi, thiếu niên do ném đất đá vào đoàn tàu đang chạy viết bản tường trình và cam kết không tái phạm. Ảnh PLO.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra gần 80 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ kính 80 đầu máy, toa xe và làm bị thương nhân viên đường sắt.

Trên đường bộ, từ khi các đoạn cao tốc ở phía Nam như Cam Lâm – Vĩnh Hảo – Phan Thiết – Dầu Giây; đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đi vào khai thác, cũng rộ lên tình trạng đáng báo động này.

Ở miền Tây, nguy hiểm hơn là tình trạng các nhóm trẻ ném đá vào xe đang chở khách. Tài xế các hãng xe rất kinh hãi, bởi hậu quả sẽ khó lường nếu kính lái bị ném vỡ, khi xe đang chạy với tốc độ cao.

Thực tế, khi xe ô tô đang chạy tốc độ 80-120km/h (trên cao tốc), chỉ cần một trái cam, trái táo bay vào kính lái với chiều ngược lại có thể gây ra tai họa khôn lường.

Ông Lê Thanh Phong, Phó giám đốc doanh nghiệp dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo than thở: "Rất khổ vì thủ phạm của các vụ này đều là trẻ em, đa số là thiếu niên nên cơ quan công an khó xử lý, ngoài răn đe và bắt cam kết".

Vấn đề đặt ra là tại sao những chuyện này cứ mãi xảy ra mà không có biện pháp phòng ngừa từ xa bằng giáo dục? Đến bao giờ mới hết những tai nạn kiểu này?

Theo quy định, hành vi ném đá vào phương tiện đang lưu thông bị xử phạt 500.000 – 1.000.000 đồng, tùy mức độ có thể lên tới 3-5 triệu đồng. Xét hành vi và hậu quả có thể xảy ra, mức phạt trên đúng là khó có thể răn đe.

Dĩ nhiên, răn đe hay cảnh báo với các em thiếu niên hư là chuyện phải làm. Nhưng mức phạt hành chính cũng cần làm cho các bậc phụ huynh - người giám hộ phải cân nhắc, để chủ động hơn trong việc giáo dục, giám sát con em mình. Họ không thể vô can.

Vấn nạn ném đất, đá lên xe, lên tàu đang chạy chưa có tín hiệu gì cho thấy là sẽ giảm, khi trong mấy tháng gần đây, tháng nào cũng có vài vụ. Bộ GTVT đã có văn bản gửi các địa phương và đơn vị quản lý đường, lưu ý việc phối hợp và tăng cường tuần tra kiểm soát cũng như đề ra các giải pháp khác.

Nhưng trên hết, với những hành vi nguy hiểm như trên, cần bổ sung chế tài, trong đó gồm cả mức phạt và trách nhiệm người giám hộ theo hướng tăng nặng.

Mặt khác, với trẻ hư, không thể nói là "chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm nên khó xử lý". Theo luật, tùy mức độ mà trẻ có thể được răn đe, cảnh báo; thậm chí với hành vi nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng phải bị cưỡng chế vào các trường giáo dưỡng theo quy định.

Dĩ nhiên việc xử lý là chuyện chẳng đặng đừng. Còn trước mắt, gia đình, nhà trường, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương rất cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các em để hạn chế các hành vi xấu.

Tới năm 2025, cả nước sẽ có 3.000km đường cao tốc. Nhiều đoạn mới đi qua vùng hẻo lánh, dân trí chưa cao nên nguy cơ bị "ném đá" sẽ cao.

Do đó, cùng với công tác xử phạt, răn đe thì công tác tuyên truyền, vận động sẽ là yếu tố rất quan trọng để hạn chế và tiến tới triệt tiêu vấn nạn này. Có thể đưa việc này thành một trong các tiêu chí "ấp văn hóa" hoặc chỉ tiêu đánh giá hoàn thành công tác của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở địa phương hằng năm… để ràng buộc trách nhiệm, có thể hiệu quả sẽ khác.

Đặng Đại

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghiem-tri-nan-nem-da-tau-xe-192240729222104777.htm