Nghĩa tình sâu nặng của học trò miền Nam đối với thầy cô và nhân dân miền Bắc

70 năm trôi qua, hầu hết đã ở độ tuổi xế chiều, gặp lại nhau dòng ký ức về năm tháng được sống, được học tập ở miền Bắc trở lại trong mỗi người. Ngày đó không khí tiếp đón nồng nhiệt cùng sự cưu mang đùm bọc thấm đượm tình cảm ruột thịt của đồng bào và thầy cô miền Bắc đối với học trò miền Nam đã để lại những ấn tượng sâu nặng trong ký ức của mỗi học sinh miền Nam.

Tình thầy miền Bắc với trò miền Nam

Trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) vẫn còn lưu giữ một chứng tích đặc biệt, đây có lẽ là trụ cổng trường hiếm hoi vẫn còn vẹn nguyên sau gần 70 năm lịch sử. Tại nơi đây từ năm 1956 đến năm 1966 đã có 8 trường học sinh miền Nam được thành lập. Trong khuôn viên trường vẫn còn tấm bia đá khắc ghi dòng chữ “nơi đây từ năm 1956 - 1966 con em đồng bào miền Nam thuộc các trường học sinh miền Nam số 4, 12, 16, 23, 24, 25, 26, 27 đã được Đảng, Bác Hồ, đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng, học tập và trưởng thành”.

Ông Phạm Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân (cựu học sinh miền Nam) chia sẻ những kỷ niệm khó quên khi học tập tại Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Ông Phạm Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân (cựu học sinh miền Nam) chia sẻ những kỷ niệm khó quên khi học tập tại Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Những cô, cậu thanh, thiếu niên miền Nam tập kết ra Bắc học tập những năm tháng ấy, giờ đây khi quay trở lại, nhìn cảnh vật đã hoàn toàn đổi thay, xong trong ký ức của mỗi người học sinh vẫn còn nhớ rất rõ từng đặc điểm chi tiết của mái trường xưa nơi mình đã từng gắn bó.

Dù đã tốt nghiệp bao nhiêu năm, thế nhưng trong ký ức của ông Đinh Hạnh (nguyên Phó Chủ tịch TP Hà Nội) và những cựu học sinh miền Nam vẫn không thể quên hình ảnh của những người thầy giáo, cô giáo, các cô chú nuôi, cán bộ chăm sóc – những người đã dành trọn tình yêu thương bao la của mình cho những em học sinh miền Nam dưới mái trường Học sinh miền Nam số 24 này.

“Ngày ấy, đa số các cô thầy dạy chúng tôi đều quê ở Hà Nội, nhiều thầy cô còn rất trẻ, chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Họ là lớp thầy cô luôn sẵn sàng cống hiến vì đồng bào miền Nam, vì sự thống nhất đất nước, mang hết tâm sức dạy dỗ chúng tôi để trưởng thành như ngày hôm nay” - ông Hạnh chia sẻ.

Ông Phạm Văn Hải, cựu giáo viên trường học sinh miền Nam trên đất Bắc chia sẻ, khi ấy, công tác dạy và học tại các trường học sinh miền Nam cũng được Đảng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Thời kỳ đó miền Bắc tuy thiếu giáo viên nhưng những người được phân công về các trường học sinh miền Nam đều được tuyển chọn với tiêu chuẩn cao, giỏi chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt phải có trách nhiệm, khả năng thích ứng với điều kiện khi đó phải cùng ăn cùng ở cùng sinh hoạt với học sinh miền Nam. Nhờ vậy mà quan hệ giữa thầy cô và trò, giữa học sinh và các cô chú nuôi phục vụ ở các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc rất đỗi thân thương, gần gũi như những người ruột thịt trong gia đình. Thầy cô như cha mẹ, vừa dạy học, vừa dạy cách sống, cách cư xử ở đời.

“Mỗi giáo viên, mỗi cán bộ chăm sóc chúng tôi luôn xác định, mình vừa là người thầy, vừa là bạn vì các em cũng gần ngang tuổi với chúng tôi. Chúng tôi và các trò cùng nhau sinh hoạt, học tập, vui chơi. Các em thức dậy thì mình cũng dậy, các em ngủ thì mình ngủ, các em ăn xong thì các thày cô mới được ăn. Đi tắm cũng đi với nhau, đá bóng đi với nhau” - thầy Phạm Văn Hải cho biết.

Hệ thống trường học sinh miền Nam được tổ chức hoàn toàn khác so với các trường học ở miền Bắc. Đây là một loại hình trường nội trú đặc biệt, bởi đại đa số học sinh miền Nam ra Bắc học tập đều không có bố mẹ, người thân. Vì vậy việc nuôi dạy và học tập là nhiệm vụ song song hòa quyện nhau ở các trường học sinh miền Nam cùng với một tinh thần xuyên suốt đó là “trường là gia đình; thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên trong trường là cha mẹ, anh chị của các em học sinh”.

Sâu nặng nghĩa tình của nhân dân miền Bắc

Nhớ lại ký ức về những ngày ra Bắc học tập theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ, ông Phạm Đức Lượng, cựu học sinh miền Nam, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân không khỏi bồi hồi.

Khoảng cuối năm 1954, cậu bé Lượng khi ấy 12 tuổi đang ở nhà cùng mẹ và các em, trong khi ba đi hoạt động cách mạng. Ngày nọ, có cán bộ tổ chức đến nhà thông báo, dặn dò gia đình chuẩn bị cho Lượng và hai đứa em là cu Phúc (8 tuổi) và cái Thọ (5 tuổi) ra miền Bắc học tập. Ngày đó, người dân miền Nam tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng và Bác Hồ, bởi vậy, nghe nói “ra miền Bắc được đi học, được gặp Bác Hồ,” cả gia đình đều mừng lắm. Mấy hôm sau, ba anh em Lượng được cán bộ đến nhà đón, đưa ra Quy Nhơn rồi lên tàu thủy của Liên Xô ra Bắc. Dù ba anh em ra miền Bắc cùng đợt, nhưng độ tuổi và giới tính khác nhau, nên ba anh em vẫn mỗi đứa mỗi nơi, mỗi trường khác nhau.

Ấn tượng sâu đậm nhất của chàng thiếu niên 12 tuổi Phạm Đức Lượng đối với miền Bắc là khi tàu thủy cập bến, đặt chân lên bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên con tàu thủy Liên Xô, được ăn cơm no và ăn bánh mỳ Nga, được lên boong tàu nhìn sóng biển xa gần khiến Lượng vô cùng vui sướng.

“Khi những con tàu khổng lồ Liên Xô ra đến bãi Sầm Sơn, do tải trọng lớn tàu không thể tiến sát bờ. Bà con nhân dân Thanh Hóa phải dùng những con thuyền nhỏ, thuyền thúng, thuyền nan từ bến ra nơi tàu đỗ đón. Rất nhiều anh chị, cô bác dầm mình trong sóng biển từ bờ lội ra bồng bế trẻ con và đỡ đần người già yếu khiến chúng tôi vừa xúc động, vừa yên tâm như được nằm trong lòng mẹ. Dù bị say sóng, nhưng nhìn các bạn thiếu nhi Thanh Hóa vẫy cờ hoa chào đón, lòng tôi lâng lâng khó tả.

Dù đã 70 năm trôi qua, giờ đã thành tuổi ông bà, những ấn tượng ấy cứ đeo đẳng mãi không nguôi. Mỗi khi nhớ lại, nước mắt tôi lại trào ra” - ông Lượng chia sẻ.

Những ngày ở Sầm Sơn, đối với Lượng và các em học sinh miền Nam như một cuộc đổi đời. Ở đây, các em được sinh hoạt tập thể, quen thân bè bạn các miền, được khám bệnh, chữa bệnh, có thuốc, sữa lúc ốm đau. Không chỉ ăn no, ngày ba bữa, mà còn được cấp phát quần áo, giày dép, chăn màn mới. Tối nào cũng được xem phim, xem các đoàn văn công biểu diễn. Sau thời gian ngắn tập trung ở Sầm Sơn, tổ chức bắt đầu phân chia học sinh về các trường theo độ tuổi và giới tính. Trường học sinh nam riêng, trường nữ riêng; các em nhỏ tuổi cũng được phân riêng về các lớp nhà trẻ, mầm non giao cho các cô bảo mẫu chăm sóc.

Ông Lượng nhớ lại, lớp ông lúc đó có gần 40 người, phân về Trường số 9 ở xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Lúc này Thanh Hóa chưa xây trường học sinh miền Nam, về đây các em học sinh được bố trí ở với nhà dân.

“Ngày ấy, miền Bắc mới được giải phóng, đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Nông dân huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nơi chúng tôi đặt chân còn đang đói khổ, khoai lang vừa bói củ bằng ngón tay đã phải dỡ lên để ăn. Người già ốm đau, trẻ con được bát cháo hoa là điều hiếm lắm. Vậy mà người dân Thanh Hóa đã sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, đùm bọc chúng tôi. Nhà nào chúng tôi đến ở, bà con cũng dành cho những vị trí đẹp, mát mẻ mùa hè, ấm áp mùa đông, nhường cả những ổ rơm ít ỏi để dành cho chúng tôi. Trường học chưa kịp xây, thì đình chùa tạm trở thành lớp học”, ông Lượng bùi ngùi.

Ông Lượng tâm sự, suốt cuộc đời học sinh của mình, trong ông vẫn luôn in đậm hình bóng các thầy Lê Vạn Phiên, Đàm Lê Cẩn, Lê Ngọc Lập, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Khắc Ân và các anh chị nuôi (nhân viên nhà bếp), đặc biệt là các cô bảo mẫu đã tận tâm chăm sóc, dạy đỗ yêu thương những cậu bé, cô bé học sinh miền Nam với tấm lòng mẫu tử, coi họ như những đứa con của chính mình.

Ngày mới ra Bắc, bản thân ông và nhiều đứa trẻ miền Nam gầy nhom, ốm yếu, ghẻ lở đầy người vì lạ nước. Các thầy cô, nhất là các cô chú bảo mẫu, cô chú nuôi đã phải tận tâm chăm sóc từ việc tắm rửa, giặt giũ đến dỗ dành từng bữa ăn, giấc ngủ. Các cô bảo mẫu Thanh Hóa khi đó còn rất trẻ, nhiều cô chỉ mới tuổi 15-17, phần lớn chưa có người yêu đã phải làm công việc của người mẹ dù chưa lập gia đình. Không ít người đã gửi trọn tuổi thanh xuân, hạnh phúc gia đình cho sự nghiệp trưởng thành của học sinh miền Nam.

Với học sinh miền Nam, hai chữ “biết ơn” Đảng, Nhà nước, biết ơn đồng bào và thầy cô miền Bắc được họ ghi lại nhiều lần trong những trang nhật ký, in sâu trong trái tim họ suốt nhiều năm và giờ đây, những mái đầu bạc vẫn không nén được sự xúc động mỗi khi nhắc đến hai chữ thiêng liêng này.

Phạm Tâm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nghia-tinh-sau-nang-cua-hoc-tro-mien-nam-doi-voi-thay-co-va-nhan-dan-mien-bac-i747519/