Nghị quyết 57: Quyết sách chiến lược, mạnh mẽ và cách mạng

Nghị quyết 57 đã trở thành cuộc cách mạng mạnh mẽ về tư duy và hành động, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tiến sỹ Trần Văn Khải - Phó Bí thư Đảng ủy Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Tiến sỹ Trần Văn Khải - Phó Bí thư Đảng ủy Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Nghị quyết 57-NQ/TW được ví như “khoán 10” trong khoa học công nghệ, là quyết sách chiến lược, đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội…

Nghị quyết ra đời trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang làm rung chuyển thế giới. Nghị quyết đã trở thành cuộc cách mạng mạnh mẽ về tư duy và hành động, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Báo Điện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu chùm bài viết của Tiến sỹ Trần Văn Khải - Phó Bí thư Đảng ủy Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Bài 1: Nghị quyết 57: Quyết sách chiến lược, mạnh mẽ và cách mạng

Thế giới đang chứng kiến một chuyển dịch mang tính cách mạng sang kỷ nguyên số, nơi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành nền tảng sống còn cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Cuộc chuyển dịch của lực lượng sản xuất hiện đại, nhanh chưa từng thấy trên quy mô toàn cầu

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các đột phá về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật... đang định hình lại mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Nhiều quốc gia xem việc nắm bắt và dẫn đầu các xu hướng công nghệ mới là “chiến lược tử huyệt”: ai nhanh sẽ vươn lên, ai chậm sẽ tụt hậu. Bài học từ các quốc gia đi trước càng khẳng định tính đúng đắn của định hướng này.

Hàn Quốc là ví dụ tiêu biểu. Từ thập niên 1960 với mức thu nhập bình quân đầu người tương đương các nước kém phát triển ở châu Phi, vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp và công nghệ cao trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ. Bí quyết của họ nằm ở chiến lược tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ và R&D.

Đến nay, Hàn Quốc thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về cường độ đầu tư R&D (trên 4,5% GDP) và liên tục đứng top đầu các bảng xếp hạng sáng tạo toàn cầu. Tương tự, Israel vươn mình thành “quốc gia khởi nghiệp” với tỷ lệ đầu tư R&D cao nhất thế giới (khoảng 5% GDP) và hệ sinh thái sáng tạo hàng đầu.

Trung Quốc trong hai thập niên qua đã tăng chi cho nghiên cứu khoa học từ mức 0,5% GDP lên khoảng 2,5% GDP, tạo nền móng cho những bước nhảy vọt về công nghệ như ngày nay. Những nước này nắm bắt tốt xu hướng công nghệ mới như: AI (AI tạo sinh), Điện toán lượng tử, Chuỗi khối (Blockchain), Metaverse (vũ trụ ảo), 5G, công nghệ sinh học..., qua đó thúc đẩy năng suất lao động, tạo ra ngành nghề mới, lực lượng sản xuất mới và vươn lên nhóm nền kinh tế dẫn đầu. Rõ ràng, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là yếu tố mấu chốt giúp các quốc gia “đi tắt, đón đầu” và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ở Việt Nam, nhận thức về tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghệ đã dần sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; là nguy cơ hiển hiện của phát triển kinh tế thiếu bền vững, không có đột phá, chững lại và rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình…

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 nhấn mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong thập niên tới.

Trên thực tế, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu tốc độ, quy mô, cơ cấu chuyển đổi của Việt Nam còn chậm, nhỏ, chia cắt… chưa đáp ứng kỳ vọng yêu cầu phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị ra đời khẳng định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định đối với sự thịnh vượng của các quốc gia; đây cũng là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam vươn lên thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết 57 đánh dấu bước đột phá dứt khoát, kịp thời và mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược; xác định rõ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là “điểm tựa” để phát triển thần tốc, bền vững; phản ánh sâu sắc quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất nhằm “đi tắt đón đầu” xu hướng toàn cầu; tạo ra xung lực mới đưa đất nước bứt phá vươn lên. Đây là cuộc cách mạng phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt.

Thành tựu, cơ hội và thách thức

Theo báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) 2023 của WIPO, Việt Nam xếp hạng 46/132 nền kinh tế. Đáng chú ý, chúng ta nằm trong số rất ít quốc gia duy trì được thành tích “đổi mới vượt trội” so với mức phát triển: Việt Nam cùng Ấn Độ và Moldova là ba nước liên tục 13 năm liền vượt trội về đổi mới sáng tạo so với kỳ vọng của nhóm thu nhập trung bình. Việt Nam đã tận dụng hiệu quả nguồn lực còn hạn chế để đạt kết quả đổi mới tốt hơn nhiều nước đồng cấp.

WIPO đánh giá Việt Nam thuộc nhóm các nền kinh tế có tiến bộ nhanh nhất về thứ hạng đổi mới trong một thập kỷ qua. Những điểm sáng như: tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu thuộc hàng cao trên thế giới, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sôi động đứng thứ 3 ASEAN, và năng lực hấp thụ công nghệ cải thiện rõ rệt. Đây là bằng chứng cho thấy tiềm năng và quyết tâm vươn lên của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để bứt phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khi có lợi thế hội nhập kinh tế sâu rộng. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ - trong đó có những đối tác công nghệ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ... mở ra cánh cửa tiếp cận các nguồn lực công nghệ tiên tiến, cơ hội nhận chuyển giao tri thức, công nghệ mới, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Quan hệ Đối tác Chiến lược/Toàn diện với hơn 20 quốc gia là các cường quốc công nghệ như Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Nga, Australia... là điều kiện thuận lợi tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, thu hút đầu tư vào các trung tâm R&D. Các tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Intel, Nvidia đã và đang đầu tư xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam.

Thêm vào đó, quy mô thị trường nội địa 100 triệu dân với tỷ lệ người trẻ cao, nhanh nhạy với công nghệ là động lực quan trọng cho đổi mới. Lực lượng nhân lực STEM của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, mỗi năm có hàng chục nghìn kỹ sư công nghệ tốt nghiệp từ các trường đại học trong và ngoài nước, cùng với đó, cộng đồng người Việt tài năng ở nước ngoài (đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao tại Thung lũng Silicon, châu Âu, Nhật Bản) là nguồn lực quý báu nếu được kết nối phục vụ phát triển quốc gia... Tất cả những yếu tố trên tạo nên “thiên thời, địa lợi” để Việt Nam tăng tốc trên con đường khoa học công nghệ.

Dù tiềm năng lớn, Việt Nam vẫn đối mặt với khoảng cách đáng kể về khoa học công nghệ so với các nước phát triển, cùng nhiều điểm nghẽn nội tại cần khắc phục.

 Trải nghiệm robot Anbi tại Ngày hội 'Thanh niên Bắc Giang-Đổi mới sáng tạo thời đại số.' (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Trải nghiệm robot Anbi tại Ngày hội 'Thanh niên Bắc Giang-Đổi mới sáng tạo thời đại số.' (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng các công trình nghiên cứu của Việt Nam công bố quốc tế tuy tăng nhanh nhưng vẫn thấp so với các nước dẫn đầu khu vực; chúng ta cũng chưa làm chủ được nhiều công nghệ lõi, công nghệ chiến lược quan trọng. Năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nội địa còn hạn chế: phần lớn doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn và nhân lực cho R&D, dẫn đến hàm lượng công nghệ trong sản phẩm thấp.

Đáng lo ngại, đầu tư cho R&D của Việt Nam hiện ở mức rất thấp so với chuẩn thế giới. Tổng chi cho nghiên cứu phát triển chỉ quanh mức 0,5% GDP (năm 2021 là 0,54%; năm 2023 ước khoảng 0,4%), thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (~2,3% GDP) và thua xa các nước trong khu vực như Trung Quốc (2,5%), Malaysia (~1%), hay Singapore (~1,9%).

Theo xếp hạng của UNESCO, Việt Nam đứng thứ 66 thế giới về cường độ R&D. Nghị quyết 57 đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng mức chi R&D lên 2% GDP, trong đó nguồn xã hội đóng hơn 60%.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động chỉ bằng khoảng 1/3 mức trung bình của ASEAN-6. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng mới đạt khoảng 45%, cần tăng lên trên 55% vào năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết 57. Rõ ràng, để bắt kịp các nước tiên tiến, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng suất thông qua ứng dụng công nghệ cao và đổi mới mô hình quản trị.

Một thách thức lớn khác là tỷ trọng kinh tế số và công nghiệp công nghệ trong GDP còn khá khiêm tốn. Năm 2022, kinh tế số của Việt Nam ước tính mới chiếm khoảng 14,26% GDP - con số này tuy tăng so với ~12% năm 2021 nhưng vẫn dưới mức trung bình toàn cầu. Chính phủ đặt mục tiêu rất cao: đến năm 2030, kinh tế số phải chiếm tối thiểu 30% GDP. Điều đó đồng nghĩa Việt Nam cần tăng tốc độ chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực trong 5-7 năm tới, từ sản xuất, dịch vụ đến quản lý nhà nước và đời sống người dân.

Hiện mới có khoảng 14% doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận có hoạt động đổi mới sáng tạo, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ công trực tuyến cũng cần mở rộng hơn nữa. Hạ tầng số chưa đồng bộ, đặc biệt tại các địa phương ngoài đô thị lớn, gây ra chênh lệch số và hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của một bộ phận người dân. Đây là khoảng trống cần được lấp đầy bằng việc đầu tư mạnh mẽ hơn cho mạng viễn thông thế hệ mới (5G/6G), trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây...

Bứt phá khoa học công nghệ - con đường duy nhất để tăng trưởng nhanh, bền vững

Cơ hội và thách thức đòi hỏi sự chuyển biến mạnh mẽ về chính sách, hành động kịp thời khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ; tăng tỷ trọng ngân sách nhà nước, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế và môi trường pháp lý cho hoạt động đổi mới sáng tạo; cắt giảm thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học, cơ chế tài chính thông thoáng cho quỹ khoa học; nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số và sáng tạo đổi mới…

Tất cả những hạn chế này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải quyết liệt cải cách trên nhiều phương diện, từ giáo dục đào tạo, chính sách thu hút nhân tài, đến hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy sáng tạo. Thu hẹp khoảng cách về khoa học công nghệ với thế giới đòi hỏi nỗ lực đồng bộ và đầu tư dài hạn, nhưng đây là nhiệm vụ không thể trì hoãn nếu chúng ta muốn vươn tới mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

 Phòng nghiên cứu công nghệ nano hiện đại của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Phòng nghiên cứu công nghệ nano hiện đại của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Có thể khẳng định bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là một lựa chọn, mà là con đường duy nhất để Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong dài hạn. Các tổ chức quốc tế và giới chuyên gia đều chung nhận định rằng động lực quan trọng nhất quyết định triển vọng tăng trưởng của một quốc gia chính là năng suất, và đổi mới công nghệ là nhân tố số một thúc đẩy năng suất.

Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo Việt Nam đang ở ngã rẽ: một hướng là tiếp tục cải thiện năng lực công nghệ để duy trì mức tăng trưởng cao khoảng 7%/năm như hai thập kỷ qua, hai là tăng trưởng chậm lại do vấp trần giới hạn về mô hình cũ. Yếu tố quyết định chọn hướng đi nào chính là mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Nói cách khác, nếu không dựa vào khoa học công nghệ, Việt Nam khó có thể thoát bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn.

Mục tiêu đầy thách thức mà Nghị quyết 57 vạch ra hướng đi đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ tiên tiến, thu nhập cao vào năm 2045 hoàn toàn có cơ sở hiện thực khi toàn xã hội chung sức, đồng lòng, quyết tâm cho mỗi bước đi. Trước mắt, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức hai con số. Hiện thực hóa khát vọng hùng cường, chúng ta không còn con đường nào khác ngoài phát huy tối đa động lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ tư duy trì trệ theo cách làm cũ, hành động kiên quyết, kiên trì, kiên định trên con đường đã lựa chọn; cả khu vực công và tư cần chung tay xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, trong đó doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học liên kết chặt chẽ để biến ý tưởng thành sản phẩm, biến nghiên cứu thành của cải vật chất.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta."

Chúng ta phải dồn tổng lực cho cuộc cách mạng công nghệ này, biến khát vọng thành hành động cụ thể. Bứt phá về công nghệ chính là biến chìa khóa vàng hiện thực hóa về một Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21, đưa dân tộc bước lên tầm cao mới trên trường quốc tế./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nghi-quyet-57-quyet-sach-chien-luoc-manh-me-va-cach-mang-post1024056.vnp