Nghị quyết 30 tháo gỡ nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách, củng cố niềm tin trong nhân dân

Chia sẻ bên hành lang Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội) đánh giá, Nghị quyết số 30 của Quốc hội là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thuận lợi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đặc biệt, chủ động và chưa từng có tiền lệ.

Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp kịp thời

-Ban hành trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, đại biểu đánh giá thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết 30/2021/QH15 trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội thời gian vừa qua?

-Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 tháo gỡ nhiều “nút thắt” về cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nghị quyết 30 đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết những vấn đề có thể chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, huy động sức mạnh toàn xã hội để đáp ứng yêu cầu chống dịch, gíup Việt Nam đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh Covid - 19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 30 đã thể hiện rõ nét hình ảnh một Quốc hội năng động, đổi mới, quyết liệt, đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng hành trách nhiệm với đất nước, với nhân dân giữa Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ðảng trên tinh thần “tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân”. Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 30 được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, càng củng cố niềm tin đối với những quyết sách phòng, chống dịch của Ðảng, Nhà nước, đồng thời cũng là một tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh các đạo luật liên quan lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội)

- Đại biểu đánh giá thế nào về các "điểm sáng" trong Nghị quyết 30/2021/QH15?

- Có thể thấy, Nghị quyết 30 đã có nhiều chính sách, biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống dịch Covid-19; tạo cơ sở pháp lý kịp thời để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong chỉ đạo, lãnh đạo phòng, chống dịch ở mức cao mà vẫn ổn định tâm lý người dân. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp cấp bách, tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực, quyết định những biện pháp đặc cách như: các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly, giãn cách xã hội trong tình trạng khẩn cấp; cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành đối với thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, trong mua sắm trang thiết bị vật tư y tế; thành lập các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung điều trị người bệnh Covid-19, tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh gây ra, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4.

Với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, trong đợt dịch lần thứ 4, trong thời gian ngắn đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300 nghìn lượt cán bộ của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch. Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng. Bên cạnh đó là các chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Tháo gỡ "nút thắt" về cơ chế mua sắm trong phòng, chống dịch Covid-19

- Trong tổ chức thực hiện, không thể phủ nhận những kết quả rất đáng tự hào đã đạt được, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt những vướng mắc trong cơ chế mua sắm trong phòng, chống dịch Covid-19. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đâu, thưa đại biểu?

- Chính phủ và Bộ Y tế đã triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 với tinh thần khẩn trương, chủ động, linh hoạt với những giải pháp chưa có tiền lệ; áp dụng các cơ chế đặc cách, đặc thù phòng chống dịch, trong đó có 7 Nghị quyết đặc thù về việc mua vaccine.

Về vấn đề áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc cách, đặc thù đáp ứng điều kiện, nhu cầu thực tế để phòng chống dịch, tuy Chính phủ và Bộ Y tế đã chủ động ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến vaccine, nhưng mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của Trung ương chứ chưa ban hành văn bản để giải quyết được các vướng mắc về công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác phòng chống dịch tại địa phương. Cụ thể là chưa ban hành các văn bản hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch khẩn cấp. Điều này dẫn đến tình trạng khi dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương đã phải huy động, trưng dụng các nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của khu vực tư nhân hoặc phải rút ngắn thủ tục, thời gian một số nội dung mua sắm, tạm ứng vay mượn để có thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch khẩn cấp trong điều kiện thời gian gấp rút, tính từng ngày, từng giờ. Các địa phương cũng chưa kịp đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Đến thời điểm hiện nay, điều chỉnh nội dung mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao vẫn là các quy định pháp luật có hiệu lực từ trước thời điểm xảy ra dịch bệnh như Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định 151, Nghị định 32, Thông tư 58…dẫn đến các địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai và giải trình đối với các đoàn thanh, kiểm tra.

Tôi mong rằng các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương giải quyết được những khó khăn đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch và mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch.

- Xin cảm ơn đại biểu!

Trang Nhung thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nghi-quyet-30-thao-go-nhieu-nut-that-ve-co-che-chinh-sach-cung-co-niem-tin-trong-nhan-dan--i313592/