Nghe tiếng lửa reo trong lò gốm

Sự bứt lên của Hương Canh bây giờ là nhờ bên cạnh những sản phẩm truyền thống thiên về ứng dụng, Hương Canh đã có rất nhiều sản phẩm gốm mang tính trang trí.

Tôi gặp Quang lần đầu tiên ở Hà Nội, trong một cuộc triển lãm mang tên “Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại”. Triển lãm đó, đúng như tinh thần được gọi tên, bày những sản phẩm gốm Hương Canh có truyền thống, có hiện đại. Ở đó có một Hương Canh mới mà như giám tuyển Lê Thiết Cương nói thì: “Vẫn Hương Canh ấy nhưng là một Hương Canh mới của tinh thần trang trí, hội họa (khắc vạch) và gốm - điêu khắc”.

Tiếng thở dài của gốm

Tôi cứ nghĩ Hương Canh bây giờ phải là một ngôi làng nhộn nhịp gần như Bát Tràng, nhưng hóa ra không phải. Cả cái làng nghề nổi tiếng từ xửa xưa giờ chỉ còn có 5 hộ gia đình làm nghề gốm. Trong 5 hộ ấy thì có 4 hộ là người cùng một gia đình. Người đứng đầu gia đình làm gốm có tiếng, sản phẩm gốm bán khắp cả nước, bán cả cho khách nước ngoài, là bà Giang Thị Nhạn. Bà Nhạn được phong nghệ nhân đã lâu rồi. Giờ bà làm ít đi vì bà nói tay bị run, không tự tin như trước kia nữa.

Tôi ngồi với bà trong gian trưng bày sản phẩm với những giá, kệ chất đầy đồ gốm. Giờ đã gần chạp, chả mấy chốc mà Tết đến. Bà Nhạn theo nghề gốm của gia đình. Bố bà là một thợ gốm nổi tiếng, được các lò gốm ở khắp nơi mời đi truyền nghề, đi xây lò gốm. Bà nói ban đêm nằm trong nhà, nghe tiếng lửa reo trong lò ông sẽ biết gần như đích xác mẻ gốm ấy thành công tới đâu, hỏng mất bao nhiêu.

Bà Giang Thị Nhạn với một sản phẩm gốm mới ra lò.

Bà Giang Thị Nhạn với một sản phẩm gốm mới ra lò.

Cái chi tiết nghe tiếng lửa reo biết được lò gốm thế nào đối với tôi nó thật kỳ diệu. Thậm chí tôi nghĩ nếu người ta làm một bộ phim về nghề gốm, biết đâu đấy sau này tôi lại nghĩ tới cái kịch bản ấy, chắc chắn đạo diễn sẽ tận dụng chi tiết này để mà xây dựng những câu chuyện về nghề gốm, đời gốm.

Ở miền Bắc nước ta, xưa nay có nhiều làng gốm: Bát Tràng, Thổ Hà, Chu Đậu, Kim Lan, Phù Lãng, Gia Thủy, Hương Canh. Trong số những làng nghề này, giờ chỉ có Bát Tràng phát triển mạnh mẽ nhất. Những người trực tiếp làm nghề gốm cũng như những người buôn bán gốm, đã nhờ vào gốm mà có cuộc sống sung túc, thậm chí giàu có. Những làng còn lại đều đang trong một nỗ lực không ngừng nghỉ để phục hồi. Cá biệt, Thổ Hà chỉ còn lại một hộ gia đình làm gốm.

Gốm Hương Canh là gốm sành, không có men. Những màu sắc ánh lên từ sản phẩm của Hương Canh đều do chất đất ở Hương Canh mà ra.

Bà Nhạn kể hồi xưa (có lẽ sau năm 1954), gia đình bà cũng như nhiều hộ làm gốm khác ở Hương Canh đều theo nhau vào hợp tác xã. Bấy giờ, chủ yếu là làm chum vại, ngói. Một thời gian sau thì hợp tác xã giải thể, ai về nhà nấy. Hương Canh chia làm hai nhóm nghề chính: một chuyên làm tiểu, chum, vại; một chuyên làm ngói. Ngói Hương Canh đã từng nổi tiếng khắp nơi, nhà nào khá giả mới sắm sửa được mái ngói. Nhưng nghề làm ngói rồi cũng sa sút, chum vại cũng vậy.

Gian nan cuộc chơi thị trường

Sự bứt lên của Hương Canh bây giờ là nhờ bên cạnh những sản phẩm truyền thống thiên về ứng dụng, Hương Canh đã có rất nhiều sản phẩm gốm mang tính trang trí.

Chuyện chuyển từ gốm ứng dụng sang trang trí diễn ra với gia đình bà Giang Thị Nhạn rất thú vị. Bà kể có ngày một ông họa sĩ xuất hiện tại lò gốm nhà bà. Chỉ với vài động tác vặn, nắn, thêm bớt chi tiết, khi những bình gốm ra lò đã có giá cao gấp nhiều lần so với sản phẩm gốc. Cả gia đình bà kinh ngạc khi biết chiếc bình gốm bán cho ông họa sĩ giá 100 ngàn đồng, sau khi bày triển lãm ông ấy đã bán đi với giá 25 triệu đồng.

Đó là khi cậu con trai của bà, anh Quang - chủ thương hiệu “Quang gốm Hương Canh” - 13 tuổi. Mười ba tuổi, Quang có sản phẩm gốm đầu tiên bán được, chính là bán cho ông họa sĩ ấy. Cũng chính người họa sĩ già ấy đã động viên Quang phải làm mới những sản phẩm truyền thống, nâng giá trị của sản phẩm lên.

Tuy nhiên, Quang vẫn là một cậu thiếu niên. Theo xu hướng chung của nông thôn, Quang đi học nghề thợ hàn, định xin việc trong một khu công nghiệp nào đó. Nhưng học được nửa chừng, Quang bỏ học, quyết định đi làm kiếm tiền trả nợ học phí cho bố mẹ. Đó là lúc một tổ chức phi chính phủ của nước ngoài triển khai dự án hỗ trợ các làng nghề trong lĩnh vực marketing. Quang tham gia, cậu được đi thăm các làng nghề gốm cả nước. Nhiệm vụ của cậu chỉ là tham quan, tìm hiểu, viết báo cáo. Việc tiếp xúc với những người thực hiện dự án đã khiến Quang thực sự trỗi dậy tình yêu với nghề truyền thống.

Nguyễn Hồng Quang đón mẻ gốm mới được thợ chuyển ra từ lò.

Nguyễn Hồng Quang đón mẻ gốm mới được thợ chuyển ra từ lò.

Cậu theo học một lớp trung cấp gốm mỹ thuật, dự định sẽ làm việc cho một doanh nghiệp gạch hoa mới mở tại địa phương. Điều may mắn lớn nhất của Quang thời điểm này là gặp được các thầy giáo từ Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội lên dạy. Thấy Quang khéo léo, có nghề, các thầy động viên nên thi vào Đại học Mỹ thuật để học hành bài bản, có được kiến thức cần thiết nhất về hội họa.

Quang thi đại học lần thứ nhất, trượt.

Năm sau cậu thi lại, đỗ.

Tuy nhiên, bao nhiêu khát vọng, hình dung, mơ ước của cậu về việc phát triển những sản phẩm gốm mang dấu ấn của một nghệ sĩ gặp phải một khó khăn cực kỳ lớn: không có khách hàng.

Tất cả những khách hàng quen thuộc của gốm Hương Canh đều chỉ có nhu cầu tiêu thụ gốm ứng dụng. Vẫn là tiểu quách, chum vại. Mà chum vại thì bị sản phẩm nhựa soán ngôi nhanh chóng do vừa nhẹ vừa tiện dụng, kích cỡ nào cũng có.

Quang chuyển sang kinh doanh, thu mua gốm khắp nơi về mở một cửa hàng lớn, bán đủ loại sản phẩm. Quang kiếm tiền tốt, giàu lên nhanh chóng. Nhưng việc kiếm tiền nhanh quá cũng khiến Quang hư hỏng. Giàu nhanh mà sa sút cũng nhanh.

Ước mơ về một làng nghề bề thế

Lý do gần như duy nhất khiến Quang rút chân khỏi vũng lầy là cậu con trai bé bỏng cần người chăm sóc. Quang bán sạch cửa hàng, trả hết nợ, quyết tâm quay lại làm gốm. Đây cũng là thời điểm những sản phẩm gốm đậm tính mỹ thuật của cậu được khách hàng chú ý đến. Thậm chí tất cả những sản phẩm trước đó Quang gửi ở các quán cà phê giờ phải gom hết về để bán cũng không đủ. Quang nói: “Những lúc tụt dốc là những lúc em làm ra được những sản phẩm đặc biệt nhất, bây giờ không cách nào làm lại như vậy được”. Quang mở lại xưởng, dựng lại lò, anh trai, chị gái, mẹ đẻ hỗ trợ Quang. Một cuộc vượt thoát ngoạn mục của một người thợ - nghệ sĩ.

Tôi hỏi Quang: “Giờ xem như mọi việc đã rất ổn rồi, có còn điều gì canh cánh trong lòng nữa không?”. Quang nói: “Có chứ chị. Em mong ước một ngày nào đó Hương Canh có thể là một làng nghề bề thế hơn, có thể đón khách du lịch tham quan, tìm hiểu về nghề gốm. Muốn thế phải có mặt bằng rộng hơn. Có nhiều người làm nghề hơn. Em mong muốn được truyền nghề cho các bạn trẻ, lành nghề rồi các bạn ấy có thể tách ra, tự mở lò gốm. Em mong muốn Hương Canh có thể phục hồi, phát triển mạnh mẽ như Bát Tràng”.

Một trong những mối lo nữa của Quang là nguồn nguyên liệu. Gốm Hương Canh được làm hoàn toàn từ nguyên liệu địa phương, đất tạo ra sự khác biệt của gốm Hương Canh với các sản phẩm của các làng nghề khác. Nhưng các khu công nghiệp, vườn tược, nhà cửa... đang ngày càng phủ kín bề mặt mà bên dưới nó là nguồn nguyên liệu tự nhiên vô giá của Hương Canh.

Trong những bộn bề tâm tư của người làm gốm Hương Canh, xin được kết thúc bài viết bằng một “khái niệm” của họa sĩ Lê Thiết Cương: “Gốm hiểu theo một nghĩa nào đó là tam tài thiên-địa-nhân. Trời cho con người cái nghiệp chơi với đất, gốm nối trời-đất-người làm một. Chỉ có gốm là đủ cả ngũ hành, kim mộc thủy hỏa thổ. Gốm hiểu theo nghĩa nào đó cũng là tam tài đất-nước-lửa. Thủy hỏa hài hòa, thủy thổ cân bằng đấy là lẽ trời, đấy là đạo. Gốm là đạo. Phải giữ lấy đạo. Giữ lấy lửa cho gốm, cho các làng gốm cổ truyền cũng như gốm sành Hương Canh”.

Bài và ảnh: Đỗ Bích Thúy

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nghe-tieng-lua-reo-trong-lo-gom-46807.html