Nghề làm tôm khô Cà Mau là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định số 3441/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL đưa Nghề làm tôm khô vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và giá trị của Nghề làm tôm khô Cà Mau, ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm tôm khô thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian đã tồn tại hàng trăm năm ở Cà Mau, gắn liền với lịch sử khai phá và định cư trên vùng đất mới.
Con tôm là sản vật quen thuộc nhất, phổ biến nhất mà người dân khai thác để phục vụ mục đích sinh tồn; khi trữ lượng con tôm quá dồi dào, làm nảy sinh nhu cầu dự trữ, từ đó đã hình thành nghề làm tôm khô - một nghề đặc trưng nhưng phổ biến trong các cộng đồng dân cư ở Cà Mau.
Trong đó, món tôm khô dưa kiệu trong ngày Tết Nguyên đán hầu như nhà nào cũng có, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Cà Mau.
Nghề làm tôm khô truyền thống theo kinh nghiệm dân gian thể hiện từ cách làm sạch nguyên liệu, quy trình luộc tôm, phơi tôm, bóc tách vỏ tôm cho đến quy trình, bí quyết chế biến món ăn. Sự tài hoa của người làm nghề tôm ở chỗ biết pha nước để luộc con tôm vừa chín, canh lửa, canh thời gian luộc tôm, chế độ phơi và đảo tôm khi phơi.
Sản phẩm tôm khô đã trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ, tết của người Nam bộ cũng như người Cà Mau, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Cà Mau.
Xác định tầm quan trọng đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3441/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề làm tôm khô vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL, việc nghề làm tôm khô được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ thể hiện sự tôn vinh của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân đã đóng góp công lao làm nên bề dày truyền thống cho vùng đất Cà Mau, mà còn thể hiện sự trân trọng đối với những thành quả đạt được trong việc hình thành và lưu truyền loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian qua nhiều thế hệ.