Ngày ấy… Đò Lèn chiến thắng vang dội
Bài học lịch sử Đò Lèn chiến thắng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước, yêu quê hương, tinh thần quả cảm, không tiếc máu xương, quyết chiến và quyết thắng của quân và dân ta.

Nữ dân quân Hoàng Thị Vường, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa dùng súng trường bắn máy bay địch đánh phá cầu Đò Lèn và khu vực Đò Lèn, ngày 3-4 tháng 4-1965. Ảnh: Tư liệu
Huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có vị trí đặc biệt quan trọng về mọi mặt Tuyến đường sắt và quốc lộ số 1A (9km) đi qua huyện, cùng với hệ thống đường ống dẫn dầu, đường điện thoại, nhiều cầu cống, sông ngòi, các tuyến đường bộ liên huyện, liên tỉnh và sang đất bạn Lào… Khu vực Đò Lèn (khoảng 3 km2) tiếp giáp các xã Hà Ngọc, Hà Phong, Hà Lâm, Hà Ninh. Cầu Đò Lèn cùng với nhà ga, hệ thống kho tàng, bến bãi, trường học, bệnh xá, cơ quan nhà nước và khá đông dân cư... Khi giặc Mỹ leo thang dùng không quân, hải quân ném bom phá hoại miền Bắc, mở đầu là các trận đánh ngày 3-4/4/1965 tại khu vực cầu Hàm Rồng và cầu Đò Lèn, không ngờ vấp phải “tọa độ” lửa, vùng “đất thép” của đối phương. Đò Lèn là “địa đầu sóng gió” ở xứ Thanh hứng chịu sự tàn phá rất ác liệt của không quân Mỹ. Sông Lèn là nhánh của hạ lưu sông Mã chảy qua địa phận huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn đổ về biển. Cầu Đò Lèn là huyết mạch giao thông quan trọng trên Quốc lộ IA và đường sắt Bắc-Nam. Chỉ trong hai ngày 3 và 4 tháng tư năm 1965, trận mở đầu trong kế hoạch “Sấm rền” của không quân Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng, cầu Đò Lèn quân và dân ta đã cảnh giác, mưu trí, dũng cảm phối hợp chiến đấu bắn tan xác 47 máy bay Mỹ (trong đó, 12 chiếc trên đất Hà Trung).
Sau khi nhận được mệnh lệnh cấp trên, huyện Hà Trung và Hậu Lộc đã tổ chức cho bộ đội địa phương và dân quân tự vệ quanh khu vực Cầu Đò Lèn chuẩn bị lực lượng, củng cố trận địa quân sự, kiểm tra vũ khí sẵn sàng chiến đấu. Trận đánh đầu tiên của không quân Mỹ là vào hồi 8 giờ 45 phút ngày 03/4/1965, từng tốp máy bay Mỹ từ phía biển xuất hiện, gầm rú như xé nát bầu trời, trong chốc nhát bổ nhào ném bom đánh phá dữ dội khu vực Cầu Đò Lèn. Nhằm bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân khu vực Đò Lèn, tại trận địa của quân và dân các xã Hà Phong, Hà Ngọc, Hà Lâm (huyện Hà Trung), hai xã xã Đồng Lộc, Đại Lộc (huyện Hậu Lộc), tự vệ các cơ quan đóng quanh khu vực và ga Đò Lèn đã nhanh chóng hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội pháo cao xạ và bộ đội chủ lực chiến đấu dũng cảm với máy bay Mỹ. Khói bom, lửa đạn bốc cao trùm lên trận địa của pháo cao xạ và trận địa dân quân, tự vệ, bầu trời mặt đất khu vực Đò Lèn rung chuyển, mù mịt “nóng như chảo rang”, nhất là khi trên trận địa, khu vực dân cư, cơ quan, xí nghiệp có tổn thất, thương vong chúng ta càng đánh trả quyết liệt, dồn căm thù lên nòng súng tiêu diệt bầy “quạ sắt” Mỹ. Trận đầu thử lửa, cái gọi là “uy danh không lực huê kỳ” bất ngờ vấp phải lưới lửa dầy đặc của pháo phòng không và súng bộ binh của lực lượng dân quân tự vệ, máy bay địch đã hốt hoảng trút bom bừa bãi xuống khu vực Cầu Đò Lèn tháo chạy, một máy bay phản lực Mỹ đã bị bắn tan xác… Khoảng hai mươi phút sau, trận đánh thứ hai tiếp tục. Từng tốp máy bay F4H “con ma”, F105D “thần sấm” Mỹ, F8, A4D… như bầy “quạ sắt” hung dữ gầm rít quần xé không gian, như những con thiêu thân lao xuống trút bom đánh phá Cầu Đò Lèn. Lần này, máy bay địch không chỉ vấp phải sức mạnh bão lửa của pháo phòng không tầm cao, súng bộ binh tầm thấp bủa vây mà còn khiếp vía, kinh hoàng bởi những cánh “én bạc” của không quân nhân dân Việt Nam tập kích, thêm một máy bay nữa của địch bị bắn cháy…

Dân quân huyện Hà Trung, Thanh Hóa bắt sống phi công Mỹ năm 1966. Ảnh: Tư liệu
Ngay ngày đầu, cái gọi là sức mạnh không lực bị quân và dân Hàm Rồng, Đò Lèn giáng trả, 17 máy bay địch đã bị bắn tan xác. Bất ngờ bị một đòn choáng váng và thất bại cay đắng… Ngày 4 tháng tư năm 1965, địch hung hăng huy động tới hàng trăm lần chiếc máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ, chia thành từng tốp, từng đợt giận dữ, điên cuồng trút hàng trăm, hàng ngàn tấn bom xuống Hàm Rồng, Đò Lèn và các vùng phụ cận nhằm cô lập, cắt đứt tuyến giao thông quan trọng Bắc-Nam, phân tán lực lượng, gây thiệt hại về người và tài sản cho đối phương. Một lần nữa mặt đất, bầu trời lại ầm ầm rung chuyển, khói bom, lửa đạn mù mịt… nhưng từ các trận địa pháo vẫn nghe rõ khẩu lệnh “bắn!” vang lên đanh thép trong tư thế của người chỉ huy, các chiến sỹ pháo thủ trên mâm pháo hiên ngang ngẩng cao đầu bám chặt mục tiêu địch… trận địa của lực lượng dân quân, các tay súng tự vệ đã kiên cường dũng cảm, hăng say chiến đấu trút lửa đạn vào kẻ thù. Trước những tổn thất do máy bay địch phá hoại, quân và dân ta càng mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, quyết chiến quyết thắng, thực hiện mục tiêu phòng tránh và làm giảm đáng kể thiệt hại, giữ vững mạch máu giao thông trên địa bàn thông suốt, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, tập thể và của nhân dân tại nơi xảy ra chiến sự, đặc biệt là khu vực Đò Lèn, cầu Đò Lèn.
Lực lượng dân quân, tự vệ trong huyện được điều động tham gia trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sơ tán hàng hóa, sơ tán nhân dân, san lấp hố bom, ngụy trang trận địa, đắp ụ pháo, củng cố hầm hào, công sự… Hiệp đồng chiến đấu với bộ đội chủ lực, trung đội dân quân các thôn Tương Lạc, Thượng Thôn (xã Hà Phong), dân quân các xã Hà Ngọc, Hà Ninh, Hà Bình, Hà Lâm đã trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, cùng với tự vệ các cơ quan, xí nghiệp tham gia tiếp đạn, tải thương, cứu chữa kho tàng vận chuyển hàng hóa, hầm trú ẩn bị sập, nhà dân bị hư hại. Trong các trận đánh trả máy bay địch phá hoại khu vực Đò Lèn, đã xuất hiện những tấm gương về lòng dũng cảm như nữ đồng chí Vường, một đảng viên trẻ của xã Hà Ngọc lần đầu tiên bắn máy bay địch bằng súng bộ binh, mặc dù bị thương vẫn không rời trận địa; xã đội trưởng Sỹ mới 22 tuổi đã chỉ huy cả trung đội dân quân Hà Ngọc 36 người chiến đấu dũng cảm ngoan cường; đồng chí Diệp - đảng ủy viên bình tĩnh chèo thuyền qua sông tiếp đạn dưới làn mưa bom của địch; đồng chí Huấn - liên lạc viên trong bom đạn ác liệt giữ vững mạch máu thông tin thông suốt. Nhiều tấm gương tham gia phục vụ chiến đấu của các mẹ, các chị, các em thiếu nhi xã Hà Phong, Hà Lâm đã bất chấp hiểm nguy vượt qua mưa bom bão đạn tiếp tế cơm, nước, thăm hỏi động viên, tham gia băng bó kịp thời, chăm sóc thương binh như những người thân trong một gia đình… và còn rất nhiều tấm gương khác đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong trong các ngày 3,4-4/1965, họ thật xứng đáng để các thế hệ người Hà Trung, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo…

Sự kiện lịch sử vang dội Đò Lèn chiến thắng đến nay đã sáu mươi năm tròn. Ngày ấy... quân và dân Đò Lèn đã lập nên những chiến công đầu rạng rỡ, lần đầu tiên đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ khi leo thang đánh phá Miền Bắc. Bài học lịch sử Đò Lèn chiến thắng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước, yêu quê hương, tinh thần quả cảm, không tiếc máu xương, quyết chiến và quyết thắng của quân và dân ta. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự kiện Đò Lèn chiến thắng mãi mãi là mốc son lịch sử hào hùng, là khúc tráng ca bất hủ và là niềm tự hào cho muôn đời thế hệ mai sau.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngay-ay-do-len-chien-thang-vang-doi-a28395.html