Giáo hoàng Francis qua đời, hồng y nào sẽ là người kế nhiệm?
Hiện có nhiều đồn đoán xoay quanh những nhân vật sẽ kế nhiệm sau khi Giáo hoàng Francis qua đời.
Sáng ngày 21-4, Vatican chính thức xác nhận Đức Giáo hoàng Francis đã từ trần sau thời gian chống chọi với một chứng nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Ông ra đi ở tuổi 88, khép lại hành trình 12 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã, một trong những tổ chức tôn giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất hành tinh với khoảng 1,39 tỷ tín đồ.
Ngay sau khi tin buồn được công bố, ánh mắt của cả thế giới Công giáo lập tức đổ dồn về một câu hỏi: Ai sẽ là người kế vị ngai tòa Thánh Phêrô?

Đức Giáo hoàng Francis, người Argentina đầu tiên đảm nhận vị trí đứng đầu Tòa thánh Vatican, được biết đến là biểu tượng của sự khiêm nhường, cởi mở và đầy nhân ái. Trong suốt hơn một thập kỷ dẫn dắt Giáo hội, ngài để lại dấu ấn đậm nét với những nỗ lực cải cách, nhấn mạnh đến công lý xã hội, chăm lo người nghèo, bảo vệ môi trường và đối thoại liên tôn.
Sự ra đi của ông không chỉ để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng tín hữu toàn cầu mà còn mở ra một giai đoạn chuyển giao quan trọng trong lịch sử Giáo hội.
Theo truyền thống, người kế nhiệm sẽ được bầu chọn bởi Mật nghị Hồng y, một hội đồng gồm các Hồng y Công giáo cấp cao, trong đó phần lớn do chính Đức Giáo hoàng Francis phong chức. Dù ứng viên về lý thuyết có thể là bất kỳ người đàn ông nào đã được rửa tội theo Công giáo, nhưng từ hàng thế kỷ qua, chỉ những Hồng y trong Hội đồng mới thực sự có cơ hội trở thành Giáo hoàng.
Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 240 Hồng y, nhưng chỉ những người dưới 80 tuổi tại thời điểm Giáo hoàng qua đời hoặc thoái vị mới đủ điều kiện tham gia bầu cử. Con số này hiện dừng ở 138 người, dù nguyên tắc thường chỉ cho phép tối đa 120 người bỏ phiếu, con số thực tế đôi khi linh hoạt tùy tình hình.
Mật nghị sẽ diễn ra tại Nhà nguyện Sistine, nơi các Hồng y bỏ phiếu kín dưới sự giám sát của 9 Hồng y được chọn ngẫu nhiên. Để đắc cử, ứng viên cần đạt ít nhất 2/3 số phiếu. Sau mỗi vòng bỏ phiếu, các lá phiếu được đốt cùng hóa chất: khói đen báo hiệu chưa có kết quả, còn khói trắng là dấu hiệu thế giới đã có một Giáo hoàng mới.
Khi điều đó xảy ra, một Hồng y cấp cao sẽ xuất hiện từ ban công Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và long trọng công bố danh tính tân Giáo hoàng.

Thường thì Mật nghị Hồng y bắt đầu khoảng 2-3 tuần sau khi Giáo hoàng qua đời, cho phép tổ chức tang lễ kéo dài 9 ngày và tạo thời gian để các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Vatican. Năm 2013, chỉ 12 ngày sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị, Giáo hoàng Francis đã được bầu chọn.
Thời gian để chọn ra Giáo hoàng mới có thể dao động từ vài ngày đến vài tuần, tùy vào mức độ đồng thuận giữa các Hồng y. Nếu sau 33 vòng bỏ phiếu vẫn chưa đạt kết quả, quá trình sẽ thu hẹp còn hai ứng viên được ủng hộ nhiều nhất để chọn lựa dứt điểm.
Hiện có nhiều đồn đoán xoay quanh những nhân vật nổi bật trong số 138 Hồng y đủ điều kiện bỏ phiếu, trong đó có tới 110 người được chính Đức Giáo hoàng Francis bổ nhiệm. Điều này cho thấy khả năng cao người kế nhiệm sẽ tiếp nối tinh thần cải cách và hướng tiếp cận nhân văn mà ông để lại.

Theo kênh Al Jazeera, ba ứng viên sáng giá bao gồm Hồng y Peter Turkson (Ghana), Hồng y Luis Tagle (Philippines) và Hồng y Peter Erdo (Hungary). Đặc biệt, Hồng y Luis Tagle được đánh giá cao nhờ tấm lòng với người nghèo và lập trường gần gũi với vị Giáo hoàng quá cố.
Ngoài ra, Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, người nắm giữ vai trò ngoại giao hàng đầu và có uy tín lớn trong giới Hồng y, cũng được xem là một ứng cử viên nặng ký.