Ngập úng, ùn tắc giao thông là thách thức lớn với Đông Nam Bộ
Thủ tướng nhấn mạnh vùng Đông Nam Bộ còn đối diện nhiều thách thức, lớn nhất là phát triển chưa bền vững, trong đó ùn tắc giao thông, ngập úng, nước biển dâng...
Ngày 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng.
Mục tiêu xây 772 km đường cao tốc giai đoạn 2021-2030
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tăng về số lượng đô thị, như đến năm 2025 dự kiến thêm 10 đô thị và đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị.
"Để gỡ những "nút thắt" giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc", Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng góp ý.
Dự báo đến năm 2030 cho thấy vùng Đông Nam Bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại.
Các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) có nhiều đoạn đã đầy tải, hiện chỉ mới đưa vào khai thác 95 km/911 km cao tốc theo quy hoạch.
Theo Bộ trưởng GTVT, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ là khoảng 413.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng là 772 km trong giai đoạn 2021-2030. Ông Thắng góp ý cần có cơ chế, chính sách đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn Trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương).
Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu phát triển mạng lưới đường sắt kết nối vùng theo mô hình T.O.D. (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). TP.HCM đang báo cáo với cơ quan thẩm quyền và khi có nghị quyết chính thức sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế đặc thù để phát triển TP.HCM, góp phần phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Nhiều thách thức với vùng Đông Nam Bộ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Bên cạnh đó, vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Thủ tướng nêu rõ mâu thuẫn lớn nhất cần giải quyết là tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; kết nối hạ tầng chiến lược, đồng bộ chưa hiệu quả, đầy đủ, toàn diện; huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào Nhà nước, chưa phát huy được các cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vùng còn đối diện nhiều thách thức, lớn nhất là phát triển chưa bền vững, trong đó có phát triển đô thị, ùn tắc giao thông, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, úng ngập. Thách thức nữa là ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, an sinh xã hội.
Thủ tướng cho biết chương trình hành động đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu phát triển vùng năng động nhất này để đóng góp nhiều nhất cho đất nước trên các lĩnh vực, trong đó có GDP.
Mục tiêu nữa là ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "phát triển phải nhanh, hài hòa, bao trùm, tổng thể và bền vững".
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho rằng tựu trung trong 9 chữ "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới".
Phân tích cụ thể hơn, theo Thủ tướng, tư duy mới là tư duy tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại. "Sản phẩm của chúng ta phải là trí tuệ, năng lực, bản lĩnh của con người Việt Nam", Thủ tướng nói rõ về tư duy tự lực, tự cường.
Tư duy mới là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tư duy mới là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.
Bên cạnh đó, nội lực cần kết hợp với ngoại lực (là vốn, công nghệ, quản lý, thể chế…), sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh doanh nghiệp trong nước với ngoài nước.
Làm rõ nội hàm về "đột phá mới", Thủ tướng cho rằng đó là cách thức, phương thức huy động các nguồn lực.
Nguồn lực hiện có so với một đất nước 100 triệu dân, so với yêu cầu cuộc sống, mặt bằng chung của thế giới còn thấp. Là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi thì phải huy động nguồn lực bằng nhiều phương thức, cách làm khác nhau. Do đó, phải có cơ chế chính sách đột phá, đây cũng chính là nguồn lực.
Về huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, Thủ tướng gợi ý 3 mô hình hợp tác công tư. Một là lãnh đạo công, quản trị tư các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Thứ hai là đầu tư công, quản trị tư. Thứ 3, đầu tư tư, sử dụng công.
Nêu rõ bài học "hợp tác công tư có nhiều hình thức, chúng ta phải sáng tạo, năng động, phải quyết tâm làm", Thủ tướng lấy ví dụ thời gian vừa qua, có tỉnh làm được 200 km cao tốc nhưng cả vùng Đông Nam Bộ trong 10 năm qua chỉ làm được 50 km cao tốc,"đây là vấn đề cần suy nghĩ, không ai làm thay chúng ta được".
Thủ tướng tán thành với ý kiến xây dựng trung tâm tài chính trong vùng để huy động nguồn lực hay Quỹ phát triển hạ tầng như đề xuất của lãnh đạo TP.HCM. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai.
Làm rõ nội hàm "giá trị mới", Thủ tướng cho biết vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng đã giảm so với các vùng khác. "Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn", Thủ tướng nói.
Theo ông, thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người phải cao hơn, ngang tầm khu vực, các nước phát triển. Hạ tầng kết nối vùng, cả nước, khu vực cũng như quốc tế phải tốt nhất. Phải khắc phục bằng được những vấn đề tồn tại mà người dân bức xúc như vấn về biến đổi khí hậu, môi trường.
Giá trị mới nữa là chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững, bao trùm, tiêu biểu cả nước, góp phần vào thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, làm hình mẫu cho các vùng khác.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
https://zingnews.vn/ha-noi-bon-mua-huong-sac-post1365673.html
Viết Tuân/ Báo Chính Phủ