Ngập nước cục bộ trên mặt cầu Vĩnh Tuy 2: Lỗi do thiết kế?

Liên quan đến việc ngập sâu trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thường xảy ra khi Hà Nội mưa lớn, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm thanh tra kết luận và khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông.

Cầu Vĩnh Tuy ngập úng sau trận mưa hôm 15/5/2024.

Cầu Vĩnh Tuy ngập úng sau trận mưa hôm 15/5/2024.

Theo đại diện Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội, Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình Giao thông Hà Nội làm thủ tục bàn giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội quản lý. Do trời mưa lớn, rác trên cầu bịt kín các lỗ thoát nước, không thoát được nước nên gây ngập. Nếu được giao quản lý, hằng ngày sẽ có công nhân đi thu gom rác thải, thông các hố thoát nước như đơn nguyên cầu Vĩnh Tuy 1, về thiết kế giống nhau nhưng do được duy tu, dọn vệ sinh thường xuyên nên không xảy ra tình trạng úng ngập như bên đơn nguyên mới đưa vào khai thác.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng vừa có văn bản yêu cầu kiểm tra xác định nguyên nhân và xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.

Trước đó, sau cơn mưa lớn chiều 15/5, qua theo dõi kiểm tra thực tế hiện trạng nhận thấy xuất hiện tình trạng mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư và đang triển khai các thủ tục bàn giao tài sản công sau khi thi công hoàn thành) bị ứ đọng, ngập nước trên mặt cầu, dẫn đến khó khăn cho việc lưu thông các phương tiện qua cầu.

Để xử lý kịp thời tình trạng trên, không để tình trạng tương tự xảy ra (đặc biệt vào mùa mưa sắp tới), Sở Giao thông vận tải đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố khẩn trương chủ trì phối hợp với Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục ngay.

Tiến độ triển khai, được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề ra, là các đơn vị phải hoàn thành xong trước ngày 20/5, đồng thời có văn bản báo cáo kết quả xử lý về Sở này để theo dõi chỉ đạo, đồng thời thông tin kết quả xử lý đến các cơ quan thông tấn báo chí, người dân được biết.

Liên quan đến việc cầu Vĩnh Tuy liên tục bị ngập nước sau khi khánh thành, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông khẳng định, việc thoát nước cho cầu là vô cùng quan trọng, đảm bảo an toàn cho công trình và môi trường xung quanh.

Theo quy định chính về thoát nước khi thiết kế cầu, hệ thống thoát nước cầu phải có hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt, đáp ứng được lưu lượng nước tối đa có thể xảy ra. Phải được thiết kế hợp lý, đảm bảo thoát nước nhanh chóng và hiệu quả, tránh gây ứ đọng nước trên mặt cầu và xung quanh.

Cần bố trí các rãnh thoát nước dọc theo chiều dài cầu, có kích thước phù hợp với lưu lượng nước. Nên sử dụng các biện pháp chống xói mòn cho các vị trí thoát nước, đặc biệt là ở những khu vực có địa hình dốc hoặc dòng chảy mạnh.

Nước thải từ cầu phải được thu gom và xử lý theo quy định về bảo vệ môi trường. Cần bố trí các bể thu gom nước thải tại các vị trí thích hợp, có dung tích đủ lớn để chứa lượng nước thải tối đa. Nước thải sau khi thu gom phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

“Việc thiết kế hệ thống thoát nước cần phải tính đến các yếu tố như địa hình, khí hậu, lượng mưa, lưu lượng xe cộ… Cần kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống thoát nước định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Việc thi công hệ thống thoát nước cần được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình. Công trình cầu bị ngập nước gây ra nhiều bất lợi nghiêm trọng, có thể biểu hiện rõ ra bên ngoài, cũng có thể ẩn sâu bên trong, gây bất lợi ngay hoặc lâu dài sau này”, TS Nguyễn Hữu Đức lưu ý, đồng thời cho rằng: “Các hướng dẫn thiết kế mặt cầu đều chỉ rõ những gì cần làm để mặt cầu không bị ngập.

So sánh thực tế cầu Vĩnh Tuy mới và cũ cho thấy nhiều khả năng là lỗi thiết kế ở cầu mới. Khả năng do bụi, rác gây ra cũng có, nhưng điều này dễ xử lý, chỉ cần tăng cường công tác dọn dẹp. Nhưng nhiều khả năng là hệ thống thoát nước (lỗ thoát, ống dẫn…) không có đủ năng lực thoát. Nếu như vậy, cần nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng thoát nước, tuy nhiên, rất cần xem xét kỹ để khỏi ảnh hưởng đến kết cầu bên trong của dầm cầu”.

Trước đó, cuối tháng 8/2023, TP Hà Nội tổ chức khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dài 3,5km, rộng 19,25m với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sau 2,5 năm thi công. Điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Cầu rộng hơn 19m, 4 làn xe. Từ khi khánh thành đến nay, cầu Vĩnh Tuy 2 thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn gây ra nhiều khó khăn cho các phương tiện di chuyển qua.

XUÂN LONG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngap-nuoc-cuc-bo-tren-mat-cau-vinh-tuy-2-loi-do-thiet-ke-10280263.html