Ngành tòa án nỗ lực chuyển đổi số

Chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, giúp hoạt động của ngành được thực hiện một cách chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, qua đó thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách tư pháp. Từ nhận thức trên, thời gian qua, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, thụ lý và giải quyết các vụ án.

Điểm nổi bật trong công tác chuyển đổi số của TAND hai cấp trong tỉnh thời gian qua chính là việc tổ chức xét xử các phiên tòa bằng hình thức trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết 33 của Quốc hội. Theo đó, TAND hai cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan tham gia tố tụng lựa chọn các vụ án phù hợp để đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến, khắc phục tình trạng án tồn đọng, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm yêu cầu cải cách tư pháp. Từ đầu năm 2024 đến nay, TAND hai cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 14 phiên tòa trực tuyến và phiên tòa trực tuyến giám sát, 78 phiên tòa rút kinh nghiệm, 23 phiên tòa số hóa hồ sơ vụ án; đồng thời, tổ chức 9 phiên tòa rút kinh nghiệm được truyền hình trực tuyến đến TAND hai cấp trong tỉnh, tạo điều kiện cho các địa phương học tập kinh nghiệm tổ chức xét xử, giúp các thẩm phán tích lũy kiến thức, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Bên cạnh đó, TAND hai cấp trong tỉnh còn triển khai có hiệu quả ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” đến 100% công chức giữ chức danh tư pháp và hỗ trợ thẩm phán trong công tác xét xử. Theo đó, sau khi nhập thông tin về vụ việc, vụ án, ứng dụng sẽ phân tích thông tin và đưa ra kết quả tham chiếu căn cứ vào các quy định của pháp luật; hỗ trợ tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, án lệ, chỉ dẫn ứng dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể và bản án có tình huống pháp lý tương tự; cung cấp thêm căn cứ khoa học để thẩm phán tham khảo, nghiên cứu, kết án đúng người, đúng tội, tránh oan sai. Qua đó giúp nâng cao chất lượng các phiên tòa, Công tác tranh tụng tại tòa được tăng cường và thực chất, không ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi giải quyết, xét xử các vụ án.

Hội nghị rút kinh nghiệm tại TAND tỉnh sau khi tổ chức xét xử phiên tòa bằng hình thức trực tuyến.

Hội nghị rút kinh nghiệm tại TAND tỉnh sau khi tổ chức xét xử phiên tòa bằng hình thức trực tuyến.

Cùng với đó, hiện nay, 100% công chức giữ chức danh tư pháp còn áp dụng đồng bộ nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ nhiệm vụ được giao, cả trong quản lý, điều hành và thụ lý, giải quyết án theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Việc thực hiện kỷ luật báo cáo thống kê được thực hiện nghiêm túc, 100% đơn vị đều báo cáo biểu mẫu đúng quy định và cập nhập phần mềm đúng thời hạn. Hệ thống giám sát hoạt động tòa án hoạt động hiệu quả khi sử dụng, ứng dụng hoạt động tố tụng trên môi trường mạng; yêu cầu cơ quan tòa án cung cấp thông tin đầy đủ liên quan đến quá trình thụ lý, giải quyết từng vụ án, vụ việc cụ thể, từ khâu tiếp nhận đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ… đến quá trình giải quyết, kết quả xét xử; cho phép cơ quan tòa án khai thác, đối chiếu thông tin của các bị cáo, đương sự và những người liên quan từ dữ liệu quốc gia với các thông tin đã được cung cấp để tránh nhầm lẫn, sai sót.

Thông qua thực hiện ứng dụng phần mềm còn hỗ trợ tòa án cấp trên theo dõi, quản lý quá trình thụ lý, giải quyết các loại án của tòa án cấp dưới, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của đơn vị, căn cứ xếp loại mức độ hoàn thành của cán bộ, công chức trong đơn vị. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử TAND tỉnh chủ động đăng tải kịp thời, đầy đủ, chính xác các hoạt động nghiệp vụ của TAND hai cấp; thường xuyên công bố bản án, quyết định của tòa; cho phép công dân, cơ quan, tổ chức tìm kiếm, xem trực tiếp nội dung bản án, quyết định được công bố; cho phép xem chi tiết các thông tin liên quan đến bản án, quyết định đã công bố thuộc lĩnh vực có liên quan.

Từ đầu năm 2024 đến nay, TAND hai cấp trong tỉnh đã công bố 881 bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật. Ông Phạm Hùng Long, Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Nam cho biết: Việc thực hiện công tác chuyển đổi số, hướng tới xây dựng tòa án điện tử được TAND hai cấp trong tỉnh xác định tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng số để triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến, đổi mới mô hình hoạt động từ truyền thống sang nền tảng số. Trong đó, chuyển đổi sử dụng hoàn toàn sổ điện tử trên phần mềm nội bộ của tòa án; quản lý việc thụ lý, giải quyết các loại vụ việc trên phần mềm quản lý nghiệp vụ của tòa án, phấn đấu 100% văn bản được quản lý, xử lý, ký và phát hành trên nền tảng số. Cùng với đó, TAND hai cấp trong tỉnh tiếp tục khai thác, sử dụng triệt để nền tảng xét xử trực tuyến, phần mềm trợ lý ảo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng tòa án điện tử.

Thông qua chuyển đổi số, giúp tăng cường quản lý toàn diện các hoạt động của ngành, tạo tiện lợi, nhanh chóng, chính xác để pháp luật, công lý được triển khai, thực thi hiệu quả trên nền tảng công nghệ số... để toàn ngành tiến gần hơn tới việc xây dựng tòa án điện tử, bắt kịp xu thế phát triển của nền tư pháp tiến bộ.

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/nganh-toa-an-no-luc-chuyen-doi-so-139272.html