Ngành nông nghiệp tích cực thi đua chuyển đổi số

UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và Kế hoạch số 207 ngày 7/6/2022 về phong trào thi đua “Đồng Tháp đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực (nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo). Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước và thúc đẩy sự phát triển, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.

Sử dụng máy cấy lúa giống ở khu vực được cấp mã số vùng trồng tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Ảnh: CTV)

Sử dụng máy cấy lúa giống ở khu vực được cấp mã số vùng trồng tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Ảnh: CTV)

Sau khi Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp được ban hành, ngành nông nghiệp tỉnh đã cụ thể hóa thông qua Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, phối hợp với ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, tập huấn ứng dụng các phần mềm cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cùng với đó, phần mềm số hóa thực hiện Chương trình OCOP, đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử Postmar và Voso. Đặc biệt, triển khai đưa vào ứng dụng chính thức nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đơn vị triển khai Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp đạt và vượt 5/12 chỉ tiêu quan trọng. Về chính quyền số có 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, triển khai hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh đến xã thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh, giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và Quốc gia.

Đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 1.270 vùng trồng (xoài, lúa, chanh, sầu riêng, ớt...) với tổng diện tích hơn 114.110ha được cấp mã số đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang: Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, NewZealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore, Malaysia, UAE. Mã số vùng trồng được xem như là mã số “định danh” cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, cũng như bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.

Việc được cấp mã vùng trồng là cơ sở vững chắc cho nông sản Việt Nam nói chung và nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp nói riêng được vào thị trường quốc tế. Ông Bùi Văn Khuýt - Chủ tịch UBND xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, cho biết: “Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định, từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần sinh vật gây hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của các thị trường ngoài nước. Đến nay, xã Gáo Giồng được cấp 10 mã vùng trồng với tổng diện tích hơn 3.000ha với 2 loại cây trồng chủ lực là lúa và ớt”.

Phát huy những kết quả đạt được, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đăng ký làm việc với Bộ NN&PTNT để báo cáo kết quả triển khai thí điểm nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, chấp nhận đối với khung kiến trúc của nền tảng là phù hợp, có khả năng nhân rộng cho các khu vực. Hoàn thiện tính năng khai thác dữ liệu, thông tin trên thiết bị di động của nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh, hoàn thiện các công cụ và phương tiện để người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, truy xuất và sử dụng phục vụ trong sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán thông qua ứng dụng của nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp thực hiện ghi chép nhật ký canh tác, xây dựng mã số vùng trồng trên một số nông sản chủ lực...

Tiến Đạt

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chuyen-doi-so/nganh-nong-nghiep-tich-cuc-thi-dua-chuyen-doi-so-123037.aspx