Ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau bão lũ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến mong tỉnh Tuyên Quang cố gắng tập trung nguồn lực khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.
Chiều 17/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bão, lũ tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, bão số 3 gây mưa lũ lớn trên diện rộng, hậu quả nghiêm trọng cả về người, tài sản, vật chất và tinh thần. Nhằm sớm khắc phục những thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ bà con nhanh chóng khôi phục sản xuất, tạo sinh kế cho nhân dân sau bão lũ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chia sẻ, một số đối tượng sẽ sớm phục hồi như: chăn nuôi với gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng; vịt ngan chỉ có 45-50 ngày là có sản lượng. Nguồn con giống lợn, thủy sản sẽ có khó khăn, cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn. Từ nay đến Tết, ngành nông nghiệp có thể hoàn toàn phục hồi được với chu kỳ sản xuất tùy theo đối tượng.
Thứ trưởng mong tỉnh Tuyên Quang cố gắng tập trung nguồn lực khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Diện tích sản xuất nào khôi phục được thì cần khôi phục sớm. Những thứ gì tỉnh tự túc được thì tự túc, thứ gì không tự túc được thì phải đề xuất sớm Trung ương để cân đối, xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia.
Thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã trao địa phương: 3 tấn gạo; 10.000 gà ta giống; 5 tấn thức ăn chăn nuôi kèm theo; 500 xuất quà (vật dụng cá nhân, thuốc men); 1.000 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng và 100 triệu đồng.
Nguồn lực hỗ trợ trên là của một số đơn vị, doanh nghiệp là: Viện Di truyền nông nghiệp; Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; Công ty De Heus; Công ty cổ phần Tập đoàn RTD; Công ty TNHH LEHAN Việt Nam.
Cùng chung tay hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất sau bão lũ, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Phó Tổng Giám Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ, ngoài sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng rất quan tâm các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt trong đợt bão lũ này, các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại nặng nề. Công ty đã nhanh chóng triển khai các hoạt động như kêu gọi cán bộ công nhân viên ủng hộ đồng bào bị thiệt hại, hỗ trợ bà con, đại lý khách hàng khắc phục sự cố do bão lũ. Công ty cũng đồng hành cùng các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm hỏi, hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh thành.
Hôm nay, công ty đã trao tặng 10.000 con gà giống và 5 tấn thức ăn chăn nuôi cho bà con tại tỉnh Tuyên Quang. Trước đó, công ty cũng đồng hành cùng Food Bank hỗ trợ thực phẩm tới bà con ở các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn… Tùy theo từng địa phương và mức độ thiệt hại, công ty sẽ xây dựng phương án hỗ trợ, đồng thời cử cán bộ phụ trách từng tỉnh trực tiếp xuống giúp bà con chăn nuôi về xử lý chuồng trại, tiêu trùng khử độc để bà con có thể tái đàn sớm nhất có thể. Công ty có hệ thống về con giống, thức ăn chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi và bác sĩ thú y nên sẽ hỗ trợ bà con nhiều nhất có thể. Công ty cũng mong muốn sẽ cùng các đại lý, các đơn vị và các cơ quan nhà nước giúp đỡ bà con một cách toàn diện nhất.
Theo ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, cùng việc phải mở 8 cửa xả đáy (nhiều nhất từ trước đến nay) của hồ thủy điện Tuyên Quang nên mực nước dâng cao, đồng thời phía hạ lưu của tỉnh Phú Thọ, Hà Nội do không tiêu thoát kịp, đã gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng trên diện rộng, gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất của nhân dân; các công trình hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trụ sở, điểm trường...) bị ngập nước, sạt lở, hư hỏng. Tỉnh ước thiệt hại đến nay khoảng 1.300 tỷ đồng.
Riêng về thiệt hại về nông nghiệp, diện tích lúa bị ảnh hưởng 5.430 ha; trên 3.400 ha cây trồng hàng năm; trên 800 ha cây ăn quả; 720 ha cây lâm nghiệp; gần 1.600 con gia súc, gần 10.000 con gia cầm; gần 600 ha ao cá bị ngập, tràn bờ; 415 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông... bị thiệt hại.
Tại xã Tân Long, theo ông Nguyễn Sỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã cho biết, có 198/1.652 hộ gia đình trong xã bị ngập và lũ quét, sạt lở vào nhà phải di chuyển đồ đạc và người đi nơi khác. Trong số đó, có 13 hộ phải di dời khẩn cấp do sạt lở taluy âm (phía bờ sông Lô), hiện tại đang có hiện tượng sạt trượt, lở đất rất nguy hiểm không thể ở được và phải di chuyển đi nơi khác. Hiện nay các hộ trên đã di dời người, tài sản và bố trí ở nhờ nhà anh em và các hộ dân trong thôn, nhà văn hóa trường học và dựng lán tạm để ở. Có 31 hộ trong diện phải khắc phục ngay do sạt lở taluy dương từ đồi đất xuống nhà và 154 hộ bị nước lũ tràn, ngập vào nhà.
Về nông nghiệp, xã có trên 80% diện tích lúa, 80% diện tích ngô bị vùi lấp và hỏng hoàn toàn; 25 ha cây dâu, gần 1 ha keo đến tuổi thu hoạch bị thiệt hại; 10 lồng cá trên sông Lô và sông Gâm bị trôi, chìm và hư hỏng nặng, cùng trên 5 ha diện ao hồ nuôi trồng thủy sản bị vỡ ngập và tràn qua...
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Đỗ Thị Lượt, 68 tuổi, ở thôn 13, xã Tân Long, huyện Yên Sơn cho biết, taluy dương đã sạt lở vào đúng nhà bà nhưng rất may khi mưa bão, bà đã đi sơ tán sớm, nên chỉ bị thiệt hại về nhà. Bà chỉ có một mình nên đang ở nhờ nhà người thân.
Thời gian tới, bà Lượt mong chính quyền múc đất để xây lại nhà. Nếu không múc đất được (vì nguy cơ tiếp tục sạt lở) thì sẽ phải xin di dời chỗ ở sang nơi khác.
Bà Đỗ Thị Thông, 70 tuổi cũng ở thôn 13 không bị thiệt hại nhà ở nhưng bị thiệt hại nặng về nông nghiệp: với 200 cây bưởi đang cho thu hoạch, trên 150 khóm chuối bị thiệt hại, gần 1 ha măng tre bị sạt lở mất hoàn toàn... Gia đình có tổng có 7 sào (360 m2/sào) canh tác nông nghiệp thì 3 sào đã bị sạt lở xuống sông Lô. Diện tích còn lại vẫn có nguy cơ bị sạt lở. Với bà Thông, chưa bao giờ thấy thiệt hại do mưa lũ lớn như vậy.
Bà Thông chia sẻ, nhà ở của gia đình tuy to nhưng cũng không thể "khoét" nhà ra ăn được. Bà cũng như nhiều hộ gia đình bị thiệt hại nông nghiệp do mưa lũ mong muốn được vay vốn để tăng gia sản xuất, nuôi các con vật nuôi, kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Sỹ Thuật, những hỗ trợ hôm nay rất thiết thực để bà con địa phương phát triển đàn gia súc, gia cầm để bù vào sản lượng đã mất và thiệt hại về ngô, lúa, hoa màu... Điển hình là thuốc khử trùng, đây là thứ rất cần thiết lúc này để bà con về sinh môi trường, chuồng trại trước khi tái đàn. Địa phương cũng rất cảm ơn các doanh nghiệp, các cấp ngành đã tạo điều kiện giúp đỡ bà con có điều kiện sớm khôi phục sản xuất.
Với nguồn lực hỗ trợ vừa con giống kèm thức ăn chăn nuôi là rất thiết thực. Địa phương sẽ phân bổ cho các hộ khó khăn, bị thiệt hại nhiều diện tích nông nghiệp... để người dân sớm bù đắp phần nào những gì bị mất, ông Nguyễn Sỹ Thuật cho biết.