Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến an toàn thực phẩm của các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng phân cấp, phân quyền quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói về địa phương.

Thị trường hấp dẫn

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định RCEP, có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm. 10 quốc gia ASEAN, thành viên chính trong RCEP, tin rằng với sự lớn mạnh của các thành viên, EU và Hoa Kỳ sẽ tăng cường đàm phán và mở cửa thị trường hơn trong tương lai với nhóm RCEP.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022 (năm đầu tiên thực thi Hiệp định) xuất khẩu nông sản sang các quốc gia RCEP tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021 (Australia tăng 49,2%; Nhật Bản tăng 27,5%; ASEAN tăng 20,4%...). Đến năm 2023, Indonesia tăng 4,5 lần so với năm 2022; Philippines tăng 15,7%; Trung Quốc tăng 15,8%...

Sau 6 tháng đầu năm 2024, ngoại trừ 3 nước trong ASEAN (Lào, Myanmar, Brunei), kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường còn lại trong khối đều ghi nhận kết quả tích cực.

Bà Phạm Thị Lâm Phương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, RCEP được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác (FTA ASEAN+). Do đó, RCEP là một FTA bao trùm với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+ và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới (như Thương mại điện tử, Mua sắm công, Cạnh tranh, Sở hữu trí tuệ…). Tuy nhiên, so với các FTA thế hệ mới khác mà Việt Nam đang thực thi (như CPTPP hay EVFTA), mức độ mở cửa thị trường và tiêu chuẩn cam kết quy tắc trong RCEP cơ bản bằng hoặc thấp hơn.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, RCEP có thị trường 2,2 tỷ dân, GDP trên 26 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu. 6/14 quốc gia nằm trong khối RCEP (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan) thuộc Top 10 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (chiếm 61%). Và các nước RCEP là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam (Trung Quốc, ASEAN…) đặc biệt là các nguyên phụ liệu và thiết bị sản xuất, xuất khẩu.

Tuân thủ quy định mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này, ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến an toàn thực phẩm. Đặc biệt là các quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định RCEP nhằm ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc nguy về an toàn thực phẩm, đồng thời tránh rủi ro tại cảng ở quốc gia nhập khẩu, thúc đẩy tốc độ thông quan.

Các biện pháp dựa trên 6 tiêu chí: tuân thủ quy định quốc tế, đánh giá rủi ro dựa trên khoa học, minh bạch, khuyến khích các phương pháp công nhận lẫn nhau, hợp tác và ứng dụng công nghệ trong chứng nhận. Theo đó, mỗi quốc gia có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ giúp hàng hóa xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu, phòng tránh việc bị cảnh báo, hoặc hạn chế nhập khẩu.

Với lĩnh vực BVTV, việc tuân thủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là quan trọng nhất. Đây là yêu cầu bắt buộc khi đưa hàng hóa xuất khẩu nhưng không bắt buộc với sản phẩm nội tiêu. Theo ông Quang, việc cấp mã số dựa trên cơ sở tự nguyện của cơ sở và phải được quốc gia nhập khẩu chấp thuận. Ngoài ra, định kỳ Cục BVTV và địa phương sẽ kiểm tra đánh giá, giám sát và duy trì theo định kỳ.

Ông Lương Ngọc Quang cho biết thêm, từ năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục BVTV định hướng phân cấp, phân quyền quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói về địa phương. Cơ quan chuyên môn tại địa phương thực hiện kiểm tra thực tế, trước khi tổng hợp gửi Cục BVTV.

Chia sẻ chi tiết về các sản phẩm xuất khẩu đã đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch trong thị trường RCEP, ông Quang cho hay, số lượng sản phẩm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, hiện là 12 sản phẩm, thêm vào đó là dừa, chanh leo và ớt được xuất tạm thời. Xếp kế tiếp là New Zealand có 5 sản phẩm. Mới nhất, Hàn Quốc chính thức cấp phép cho mặt hàng bưởi tươi. Hiện Cục BVTV tiếp tục mở cửa thị trường cho quả có múi, cây dược liệu và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ngoài ra, chanh leo cũng đang hoàn tất thủ tục để xuất sang Australia, New Zealand.

Dựa trên phân tích dịch hại, từng nước nhập khẩu sẽ áp dụng xử lý kiểm dịch thực vật riêng. Các phương pháp chính gồm hơi nước nóng, xử lý lạnh, hoặc chiếu xạ. Cụ thể, Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong RCEP, yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm và ký kết nghị định thư. Doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện đăng ký theo Lệnh 248, 249, đồng thời khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Lưu ý về các quy định an toàn thực phẩm của các quốc gia thành viên RCEP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu, Nguyễn Thị Hồng Hoa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đối với thị trường Trung Quốc, sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận, bao gồm 128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài động vật thủy sản sống. Riêng các cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống phải có tên trong danh sách riêng được Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi tôm phải được cơ quan quản lý địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP/vệ sinh thú y và cấp mã số. Đồng thời, cơ quan thú y địa phương phải giám sát các bệnh TSV, MBV, WSSV, IHHNV trong ba giai đoạn nuôi.

Bên cạnh đó, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này vẫn phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống Covid-19 phải tuân thủ hướng dẫn của FAO, WHO và yêu cầu của Trung Quốc theo Lệnh 248, 249.Với thị trường này, bà Hoa nêu một số khó khăn, hạn chế như việc xử lý và phê duyệt hồ sơ trên CIFER từ phía Trung Quốc thường chậm.

Sản phẩm đăng ký phải thuộc danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết hạn để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tránh ách tắc thương mại.

Đối với thị trường Mỹ, yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cá Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm những điểm chính sau: Ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công bố quyết định công nhận hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/8/2020 về “Chương trình kiểm soát ATTP cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ”, quy định các điều kiện sản xuất phải tuân thủ, tích hợp các yêu cầu của FSIS: Code of Federal Regulations (CFR)-Title 9 Animals and Animal Products và Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

Sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục giám sát và định kỳ thanh tra lại hệ thống kiểm soát ATTP trong chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra của Việt Nam.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản (NFQS) quản lý các cơ sở không sử dụng phụ gia, trong khi Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) quản lý các cơ sở sử dụng phụ gia. NFQS sẽ đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm bị cảnh báo khi thuộc nhóm có hại chung (vi sinh vật tổng số, kháng sinh hạn chế sử dụng,…).

Nếu sản phẩm thuộc nhóm đặc biệt có hại (kháng sinh cấm, vi sinh vật gây bệnh,…), NFQS sẽ đình chỉ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm của cơ sở đó. NFQS cũng quy định chế độ xử lý nhiệt cụ thể đối với tôm nấu chín xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà không yêu cầu xét nghiệm bệnh.

Đối với thị trường Nhật Bản, bà Hoa lưu ý về quy định ngăn chặn các sản phẩm khai thác IUU nhập khẩu được áp dụng từ 01/12/2022, áp dụng cho các loại mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích.

Nguyễn Diệp

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nganh-nong-nghiep-day-manh-phan-cap-phan-quyen-d52837.html