Ngành nông nghiệp 2025: Khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế

Năm 2025, ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2024, ngành NN&PTNT nhất quán trong chuyển đổi tư duy và hành động từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, đa ngành, đa lĩnh vực và nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Nhờ vậy, ngành NN&PTNT đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Nổi bật là lĩnh vực trồng trọt đạt 48,1 triệu tấn sản lượng lương thực có hạt, 43,7 triệu tấn sản lượng lúa (năng suất 61,4 tạ/ha). Sản lượng một số cây trồng chủ lực tăng cao như sầu riêng (1,45 triệu tấn), thanh long (1,35 triệu tấn), cao su (1,37 triệu tấn), cà phê (1,95 triệu tấn)… Lĩnh vực chăn nuôi đạt 8,1 triệu tấn thịt hơi các loại, 1,2 triệu tấn sữa, 19,7 tỷ quả trứng…

Sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 9,6 triệu tấn. Lâm nghiệp có diện tích rừng trồng tập trung ước khoảng 282.000ha, tăng 0,2% và 130 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 22,88 triệu m3, tăng 9,8%. Diêm nghiệp năm 2024 đạt diện tích sản xuất muối hơn 10.800ha, sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 23,6%...

Năm 2025, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch...

Năm 2025, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch...

Hàng loạt thành tựu của ngành NN&PTNT năm 2024 đã tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia; qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và sẵn sàng phát huy lợi thế để cùng với đất nước bước vào kỉ nguyên mới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bước sang năm 2025, ngành NN&PTNT tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Để hiện thực hóa được mục tiêu, Bộ đã xác định nhiệm vụ, xây dựng các giải pháp chính: kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Cùng với tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại các Nghị quyết Trung ương, Luật, Chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu cũng là nhiệm vụ được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. Cùng với đó là phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ NN&PTNT, câu chuyện xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối diện những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao các tiêu chuẩn, thách thức, đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.

Về phía Việt Nam, do sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, hạ tầng, kho lạnh còn chưa đáp ứng được.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho hay, các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. “Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng”, ông Hiếu nhận định.

Do đó, năm 2025, không nên quá kì vọng vào sự tăng trưởng của ngành trái cây nói riêng và nông sản nói chung, mà nên chú trọng tăng cường “sức khỏe” của ngành; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng hơn nữa nhằm ứng phó tốt hơn với các biến đổi ngày càng khó của thị trường.

"Đã đến lúc không nên chủ quan với việc tăng kim ngạch con số mấy chục phần trăm như những năm vừa qua, mà lại không để tâm rằng các đối thủ của chúng ta không đứng yên. Họ cũng luôn luôn cải thiện vị trí của họ trên thị trường, cạnh tranh với Việt Nam. Do đó, về phía các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường", đại diện Bộ NN&PTNT nói.

Được biết, Bộ NN&PTNT lựa chọn chủ đề 2025 là: “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá” như gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nganh-nong-nghiep-2025-khang-dinh-vai-tro-tru-do-diem-tua-cua-nen-kinh-te-1104487.html