Ngành Kế toán xét tổ hợp C00, ĐH Công nghệ Đông Á đào tạo ra sao để hút thí sinh?

Thí sinh xét tuyển tổ hợp C00 hoàn toàn có thể trở thành những Kế toán viên chuyên nghiệp, bản lĩnh và đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong thời đại số.

.t1 { text-align: justify; }

Hiện nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển, đòi hỏi yêu cầu hiểu biết về kế toán, doanh nghiệp cũng cần nhân sự chuyên môn tốt.

Nhắc đến ngành Kế toán, nhiều người thường nghĩ đến những con số và Kế toán viên là những người phải học giỏi Toán. Tuy nhiên, thực tế, thí sinh xét tuyển vào ngành Kế toán bằng đầu vào tổ hợp C00 được đào tạo tốt cũng hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của ngành.

Những năm qua, Trường Đại học Công nghệ Đông Á đã tuyển sinh tổ hợp C00 ngành Kế toán và đào tạo nhiều khóa sinh viên từ nguồn tuyển này.

Vậy "chìa khóa" nào giúp Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Công nghệ Đông Á làm tốt việc tuyển sinh, đào tạo sinh viên trúng tuyển tổ hợp C00?

Xét tuyển có tổ hợp C00 thêm cơ hội cho thí sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng khoa Tài chính - Kế toán Tiến sĩ Vũ Thị Phương Thụy cho biết, năm 2018 cùng với các trường đại học như Trường Đại học Bình Dương, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại Công Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.. xét tuyển ngành Kế toán bằng tổ hợp C00, cùng thời điểm năm này Khoa Tài chính - Kế toán của trường đã đưa tổ hợp C00 xét tuyển đầu vào cho ngành Kế toán. Bên cạnh đó, Ban tuyển sinh và Khoa đã xem xét thêm kết quả học môn Toán của thí sinh để xét tuyển.

Việc tuyển sinh ngành Kế toán, Kế toán định hướng ACCA theo tổ hợp C00 là một xu hướng tích cực, giúp thí sinh mở rộng cơ hội lựa chọn ngành học, phát huy thế mạnh của học sinh khối xã hội và đa dạng hóa nguồn nhân lực cho ngành kế toán.

Theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tất các các thí sinh đều phải học và thi 2 môn bắt buộc đó là Văn, Toán. Vì vậy, việc yêu cầu cơ bản cho ngành Kế toán là môn Toán thí sinh hoàn toàn có thể đáp ứng.

Về tâm lý phổ biến của nhiều thí sinh và phụ huynh, ngành Kế toán thường được gắn với hình ảnh "khô khan", “nhiều con số”, nên được cho là phù hợp hơn với những bạn học tốt khối tự nhiên, đặc biệt là các tổ hợp như A00 (Toán – Lý – Hóa) hay A01 (Toán – Lý – Anh) hay D01 (Toán -Văn - Anh).

Tuy nhiên, quan điểm này đang dần thay đổi trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, tạo cho thế hệ trẻ tiếp cận đa dạng kiến thức, thông tin trong "thế giới phẳng". Qua đó, giúp họ nhanh nhạy, có cách tiếp cận thích ứng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hiện đại hiện nay.

Mặt khác, ngành Kế toán đang có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và phần mềm kế toán, yếu tố giỏi tính toán không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều cần có là kỹ năng tư duy logic, khả năng giao tiếp thuyết trình, tính cẩn trọng, viết phân tích chi tiết và tổng hợp thông tin, đây là những kỹ năng mà học sinh khối C00 (Văn – Sử – Địa) hoàn toàn có thể phát huy tốt.

Ngành Kế toán ngày càng đòi hỏi khả năng giao tiếp, thuyết trình, viết báo cáo, kỹ năng ngôn ngữ và xã hội. Đây chính là ưu thế của học sinh tổ hợp C00, kết hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Khoa Tài chính - Kế toán cho rằng không chỉ học sinh khối tự nhiên mới làm được kế toán.

Thêm vào đó, việc đa dạng hóa tổ hợp xét tuyển giúp tăng quyền lựa chọn cho thí sinh, không ép buộc phải học tốt nhất môn Toán để vào học ngành Kế toán.

Chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm qua của trường như sau: Năm 2019 - 300 chỉ tiêu; 2020 - 200 chỉ tiêu; 2021- 220 chỉ tiêu; 2022- 330 chỉ tiêu; 2023 - 300 chỉ tiêu; 2024 - 300 chỉ tiêu. Điểm chuẩn ngành học trong các năm qua dao động từ 18 điểm đến 20 điểm.

Lợi thế và những điểm cần lưu tâm khi thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp C00 theo học ngành Kế toán

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Thụy cũng có những đánh giá về điểm mạnh và điểm cần nâng cao của nhóm thí sinh này.

Theo đó, thế mạnh nổi bật của thí sinh tổ hợp C00 nằm ở khả năng ngôn ngữ và diễn đạt tốt. Đây là nhóm học sinh được rèn luyện kỹ lưỡng trong việc viết văn, lập luận chặt chẽ và trình bày mạch lạc ở bậc phổ thông. Những yếu tố trên rất hữu ích khi viết báo cáo kế toán, giải trình số liệu tài chính, làm luận nhóm hay tham gia các hoạt động giao tiếp chuyên môn trong môi trường doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhờ nền tảng môn Sử - Địa, các em có khả năng tư duy phân tích và tổng hợp vấn đề một cách linh hoạt. Việc thường xuyên làm việc nhóm, trình bày quan điểm và lập luận trong quá trình học phổ thông giúp các em dễ thích nghi với những công việc kế toán có yếu tố giao tiếp, phân tích và giải thích như kế toán quản trị, kế toán nội bộ, hoặc kiểm toán trong doanh nghiệp (nơi không chỉ cần tính chính xác, còn cần khả năng giải thích rõ ràng số liệu tài chính)

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh nêu trên, thí sinh nhóm này cũng cần nỗ lực nâng cao một số kỹ năng để có thể học tốt và thích nghi hiệu quả với chương trình đào tạo ngành Kế toán.

 Thí sinh xét tuyển tổ hợp C00 ngành Kế toán cần trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng.

Thí sinh xét tuyển tổ hợp C00 ngành Kế toán cần trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng.

Khi theo học ngành Kế toán, sinh viên cần bổ sung và hoàn thiện kiến thức toán học, kỹ năng ứng dụng toán với các phép tính, tỷ lệ phần trăm, logic số liệu và phân tích tài chính. Ngoài ra, kỹ năng tin học văn phòng - đặc biệt là việc sử dụng các công cụ như Excel, Word, phần mềm kế toán (MISA, FAST, SAP…), cũng là một thách thức cần khắc phục.

Đây là những công cụ thiết yếu trong cả học tập và công việc sau này, nên việc chủ động học và rèn luyện kỹ năng tin học ngay từ đầu là rất quan trọng.

Việc lựa chọn tổ hợp C00 để xét tuyển không phải là trở ngại, mà là một hướng đi mới giàu tiềm năng nếu người học biết tận dụng điểm mạnh của mình và chủ động bù đắp những kỹ năng cần thiết. Như vậy, thí sinh xét tuyển tổ hợp C00 ngành Kế toán, hoàn toàn có thể trở thành những Kế toán viên chuyên nghiệp, bản lĩnh và đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong thời đại số.

Bên cạnh việc xét tuyển khối C00 vào ngành Kế toán, thí sinh có thể xét tuyển thêm tổ hợp C03 (Ngữ văn, Toán và Lịch sử) và C04 (Ngữ văn, Toán và Địa lý) cho ngành học này.

Chia sẻ thêm về điểm khác giữa chương trình đào tạo, cơ hội việc làm ngành Kế toán định hướng ACCA với ngành Kế toán,Tiến sĩ Vũ Thị Phương Thụy cho biết, ngành Kế toán định hướng ACCA tại Trường Đại học Công nghệ Đông Á được thiết kế như một lựa chọn nâng cao dành cho những sinh viên mong muốn phát triển theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Đây là chương trình kết hợp các học phần thuộc chương trình Foundations in Accountancy (FIA) của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) - một tổ chức nghề nghiệp uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán – tài chính.

Đặc điểm nổi bật của chương trình là việc tích hợp giảng dạy bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức chuyên sâu, đồng thời rèn luyện năng lực ngoại ngữ phục vụ cho môi trường làm việc toàn cầu.

So với chương trình Kế toán thông thường, ngành Kế toán định hướng ACCA có một số khác biệt đáng chú ý. Trước hết, nội dung đào tạo hiện đại, có tính hội nhập cao do tiếp cận trực tiếp các học phần từ chương trình ACCA, vốn được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế.

 Sinh viên ngành Kế Toán của Trường Đại học Công nghệ Đông Á thực tập tại ngân hàng TP Bank.

Sinh viên ngành Kế Toán của Trường Đại học Công nghệ Đông Á thực tập tại ngân hàng TP Bank.

Hiện tại, các học phần thuộc khung chương trình ACCA chiếm khoảng 35% tổng số tín chỉ chuyên ngành trong chương trình đào tạo cử nhân Kế toán định hướng ACCA tại Khoa Tài chính - Kế toán. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng học thuật mà còn giúp sinh viên nhanh chóng thích ứng với môi trường kế toán toàn cầu.

Một lợi thế đáng kể nữa là ngoài bằng cử nhân do Trường Đại học Công nghệ Đông Á cấp, sinh viên theo học chương trình định hướng ACCA còn có cơ hội nhận chứng chỉ nghề nghiệp FIA do ACCA cấp. Đây là bước đầu trên hành trình trở thành kế toán viên quốc tế chuyên nghiệp (Chartered Certified Accountant). Chứng chỉ này được công nhận rộng rãi tại hơn 180 quốc gia, tạo lợi thế cạnh tranh cho sinh viên khi ứng tuyển vào các công ty kiểm toán lớn (Big4), các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Song song với kiến thức chuyên môn, sinh viên chương trình ACCA cũng được chú trọng nâng cao trình độ tiếng Anh chuyên ngành, rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Anh trong trình bày báo cáo, xử lý số liệu và giao tiếp chuyên môn. Đây là yếu tố giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi nhu cầu tuyển dụng nhân sự kế toán - tài chính có khả năng ngoại ngữ ngày càng tăng cao.

Ngành Kế toán định hướng ACCA là sự lựa chọn phù hợp cho những sinh viên mong muốn phát triển nghề nghiệp theo hướng chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Với chương trình đào tạo bài bản, hiện đại và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này sẽ có nền tảng vững chắc để bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh nhưng cũng nhiều cơ hội của ngành tài chính - kế toán hiện đại.

Cử nhân ngành Kế toán sẽ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp

Về cơ hội việc làm của ngành, Trưởng khoa Tài chính - Kế toán Tiến sĩ Vũ Thị Phương Thụy phân tích, hiện nay, với những chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như thúc đẩy khởi nghiệp và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý - tài chính, nhu cầu về nhân lực kế toán đang và sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Đặc biệt trong 5–10 năm tới, thị trường lao động ngành Kế toán được dự báo vẫn duy trì sức hút cao, nhất là trong các lĩnh vực như dịch vụ kế toán thuê ngoài, kế toán quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, và bộ phận tài chính – kế toán của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán vì vậy sẽ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, không chỉ làm việc trong doanh nghiệp truyền thống mà còn có cơ hội tham gia vào các công ty công nghệ tài chính (fintech), các tổ chức tư vấn thuế, kiểm toán, hoặc thậm chí tự hành nghề trong lĩnh vực dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, sinh viên không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải rèn luyện kỹ năng mềm, khả năng sử dụng công nghệ và thái độ làm việc chuyên nghiệp.

 Sinh viên ngành kế toán làm tại The Pilot Beer.

Sinh viên ngành kế toán làm tại The Pilot Beer.

Nhận thức rõ điều đó, Khoa Tài chính – Kế toán đã và đang triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng tăng cường nội dung thực hành gắn với thực tiễn nghề nghiệp, xây dựng tình huống học tập sát với công việc thực tế, tổ chức thực tập tại các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín. Bên cạnh đó, Khoa cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kỹ năng tự học, tư duy phản biện và khả năng ứng dụng công nghệ kế toán – tài chính trong môi trường số hóa.

Kết quả đào tạo của ngành Kế toán trong những năm gần đây cho thấy xu hướng tích cực: tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành ngày càng tăng; Nhiều sinh viên được nhà tuyển dụng đánh giá cao về khả năng thích nghi, tinh thần học hỏi và thái độ làm việc nghiêm túc. Đây là minh chứng cho định hướng đúng đắn của Khoa trong việc phát triển chương trình đào tạo, gắn liền với nhu cầu thực tiễn và biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động.

Để làm tốt công việc kế toán trong doanh nghiệp, người học cần chuẩn bị những kỹ năng ra sao?

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Thụy, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đối với nghề kế toán trong bối cảnh kinh tế hiện đại, việc đào tạo cử nhân kế toán không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức chuyên môn, mà còn cần hướng tới hình thành phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng toàn diện để người học sẵn sàng đáp ứng ngay với công việc sau khi tốt nghiệp.

Chính vì vậy, Khoa Tài chính - Kế toán Trường Đại học Công nghệ Đông Á đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng thực tiễn, đảm bảo chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường.

Về phẩm chất, một kế toán viên giỏi không thể thiếu sự cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc - bởi chỉ một sai sót nhỏ trong ghi chép hay xử lý số liệu, cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn về tài chính hoặc pháp lý cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó còn cần tính chỉnh chu, trách nhiệm, trung thực và đạo đức nghề nghiệp. Đây là những yêu cầu bắt buộc, vì người làm kế toán chính là người giữ vai trò “gác cổng” cho dòng tiền và thông tin tài chính của tổ chức. Ngoài ra, sự kiên nhẫn, khả năng làm việc dưới áp lực cũng là điều cần có, nhất là trong giai đoạn quyết toán, kiểm toán hoặc khi doanh nghiệp xảy ra biến động tài chính.

Về kỹ năng chuyên môn, sinh viên ngành Kế toán cần thành thạo việc sử dụng các phần mềm kế toán, xử lý và lập báo cáo tài chính, nắm rõ luật kế toán, luật thuế, chuẩn mực kế toán hiện hành. Ngoài ra, kỹ năng tin học văn phòng, đặc biệt là sử dụng Excel để quản lý, phân tích số liệu là bắt buộc trong công việc hàng ngày.

Không kém phần quan trọng, kỹ năng giao tiếp và tác phong chuyên nghiệp cũng được Khoa đặc biệt chú trọng rèn luyện cho sinh viên. Trong doanh nghiệp hiện đại, kế toán không chỉ làm việc với sổ sách mà còn phải giao tiếp với nhiều bộ phận, trình bày số liệu, giải thích báo cáo tài chính cho lãnh đạo hoặc đối tác, do đó khả năng giao tiếp rõ ràng, hòa đồng, cũng như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề là những kỹ năng thiết yếu. Một kế toán viên có phong cách làm việc chuyên nghiệp, biết phối hợp và tạo mối quan hệ tốt trong môi trường tập thể sẽ luôn được đánh giá cao và có nhiều cơ hội thăng tiến.

Tóm lại, Kế toán viên không chỉ là người “ghi chép số liệu” mà còn là người giữ vai trò quan trọng trong hệ thống quản trị tài chính của doanh nghiệp. Để thành công trong nghề, sinh viên cần nỗ lực rèn luyện toàn diện cả về chuyên môn lẫn nhân cách nghề nghiệp, từ sự cẩn trọng, trung thực đến năng lực công nghệ, giao tiếp hiệu quả và đặc biệt là tinh thần học hỏi suốt đời để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường làm việc hiện nay.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-ke-toan-xet-tuyen-to-hop-c00-truong-dh-dong-a-dao-tao-ra-sao-de-hut-thi-sinh-post252929.gd