Ngành dệt may trước 'ẩn số' thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump

Nhìn lại năm 2024 thì cổ phiếu dệt may là một trong những nhóm ngành có mức tăng vượt trội so với chỉ số VN-Index (tăng 24% so với 12%), trong đó một số cổ phiếu nổi bật có thể kể đến như MSH tăng 54%, TNG tăng 43%, TCM tăng 29%, và VGT tăng 27%.

Trái ngược với các công ty may, các công ty sản xuất sợi lại có hiệu suất kém vượt trội khi giá cổ phiếu STK và ADS lần lượt giảm 5% và 28%.

Điều này là do các công ty Trung Quốc có xu hướng bán phá giá sợi trong năm 2024, gây ảnh hưởng đến nhu cầu từ các công ty sản xuất sợi trong nước (doanh thu STK và ADS giảm 19%).

Dệt may được đánh giá là một trong những ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: T.L

Dệt may được đánh giá là một trong những ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: T.L

Theo Công ty Chứng khoán SSI, bước sang năm 2025, tăng trưởng của ngành dệt may toàn cầu được dự báo sẽ đến từ mức tăng trưởng sản lượng khiêm tốn (chủ yếu ở mức một con số), thay vì đến từ giá bán, do người tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục thích mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ giá rẻ khi họ vẫn thắt chặt chi tiêu. Khi thương mại toàn cầu đang thay đổi trước mối đe dọa áp thuế toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các thương hiệu có khả năng sẽ tăng cường đa dạng hóa nguồn cung ứng ở châu Á, đặt nền tảng cho việc chuyển dịch đơn hàng (nearshoring).

Cụ thể hơn, về các yếu tố tác động đến ngành, chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump sẽ là một ẩn số quan trọng mà nhà đầu tư cần hết sức chú ý. Dệt may được đánh giá là một trong những ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của Tổng thống Donald Trump, do thị trường Mỹ đang chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 2 về nhập khẩu quần áo của Mỹ, chỉ sau Trung Quốc.

Theo dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ áp dụng các mức thuế khác nhau cho từng đối tác nhằm nhắm vào các mất cân đối thương mại cụ thể. Theo kịch bản cơ sở, mức thuế dự kiến áp cho hàng dệt may của Việt Nam sẽ khoảng 10-20% và mức này có thể sẽ thấp hơn mức áp cho Trung Quốc.

Nhìn chung, cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may thường sẽ có các đợt “nổi sóng” nhờ yếu tố tin tức. Do vậy, rất có thể chính sách thuế quan của chính quyền Trump sẽ khiến nhóm cổ phiếu ngành này có biến động mạnh trong quí 1-2025.

Nhìn ở bức tranh rộng hơn, nhập khẩu hàng may mặc và dệt may của Mỹ đã và đang chuyển dịch dần ra khỏi Trung Quốc. Do đó, các thị trường như Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam dự kiến sẽ trở thành các nguồn cung cấp quan trọng, nhất là khi Trung Quốc liên tục mất đi lợi thế cạnh tranh do chi phí lao động tăng (khoảng 40% trong giai đoạn 2019-2023).

Hiện chi phí lao động trung bình mỗi giờ của Việt Nam ít hơn một nửa so với Trung Quốc. Với các nước xuất khẩu dệt may lớn khác thì Ấn Độ có tỷ lệ sản phẩm may mặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất trong năm 2023, còn Bangladesh đã phải chuyển gần 40% đơn đặt hàng sang các thị trường khác trong nửa cuối năm 2024 do bất ổn chính trị.

Dựa trên những yếu tố đó, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi trong năm 2025 nhờ lợi thế chi phí, tốc độ ra thị trường và kỹ năng của lao động, dù gặp thách thức về chính sách thuế quan tiềm ẩn. Hiện nhiều công ty trong ngành đã có đơn đặt hàng đến hết quí 1-2025, cùng với các đơn đặt hàng trước từ các thương hiệu trước khi có điều chỉnh thuế. Ngoài ra, việc đô la Mỹ mạnh lên gần đây cũng sẽ giúp các công ty xuất khẩu hàng dệt may tăng thu nhập từ ngoại hối, trừ những công ty có khoản vay bằng đô la Mỹ cao như STK.

Về triển vọng chung của ngành, dự báo doanh thu năm 2025 của các công ty sẽ đạt mức tăng trưởng 10-15%, trở lại mức tăng trưởng trung bình từ 13-15% trong giai đoạn 2015-2019. Trong giai đoạn 2019-2023, ngành dệt may hầu như không tăng trưởng do nhu cầu toàn cầu sụt giảm đáng kể sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của ngành dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2025 nhưng vẫn có cơ hội cải thiện nếu tỷ lệ đơn đặt hàng FOB của các doanh nghiệp ở mức cao hơn. Tuy vậy, chi phí vận chuyển biến động có thể sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến biên lợi nhuận ròng.

Về mặt định giá, ngành dệt may đang giao dịch gần với mức P/E trung bình lịch sử là 10x. Mức định giá này phần nào cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về việc ngành dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đơn hàng nhưng cũng đồng thời phản ánh những lo ngại liên quan đến ẩn số thuế quan mới từ chính quyền Trump. Nhìn lại quá khứ thì định giá của ngành dệt may đạt đỉnh vào năm 2021 với việc chỉ số P/E dao động từ 15-16x khi lợi nhuận của các công ty ghi nhận mức tăng trưởng mạnh hơn 50%.

Trong số các doanh nghiệp trong ngành, MSH sẽ là một cái tên nổi bật trong năm 2025 nhờ tỷ trọng xuất khẩu lớn vào thị trường Mỹ (>70%), do đó có thể được hưởng lợi từ việc chuyển dịch đơn hàng. Công suất của MSH dự kiến sẽ mở rộng 25% trong năm 2025 để tận dụng nhu cầu cho các đơn đặt hàng FOB. Ngoài ra, cổ phiếu MSH cũng có tỷ suất cổ tức khá hấp dẫn và ổn định (từ 7-8%), thích hợp cho các nhà đầu tư hướng đến sự an toàn.

Một doanh nghiệp đáng chú ý khác là TNG với tỷ trọng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ (46%) và châu Âu (38%), đồng nghĩa với việc TNG có khả năng được hưởng lợi cao từ việc chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc và Bangladesh. TNG có mức tăng trưởng doanh thu vượt trội (15%) so với các công ty trong ngành trong giai đoạn 2018-2023. Ban lãnh đạo của TNG cũng khá chú trọng vào quá trình chuyển đổi số nội bộ để cải thiện năng suất. Công ty hiện có hơn 30% hoạt động sản xuất đã được tự động hóa. Mặc dù vậy, đòn bẩy tài chính của TNG cao hơn các công ty trong ngành nên nếu mặt bằng lãi suất tăng có thể sẽ ảnh hưởng kém tích cực đến biên lợi nhuận ròng của công ty.

Nhìn chung, cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may thường sẽ có các đợt “nổi sóng” nhờ yếu tố tin tức. Do vậy, rất có thể chính sách thuế quan của chính quyền Trump sẽ khiến nhóm cổ phiếu ngành này có biến động mạnh trong quí 1-2025.

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-det-may-truoc-an-so-thue-quan-tu-chinh-quyen-tong-thong-donald-trump/