Ngành Công Thương chủ động thực hiện cam kết Net Zero

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, ngành Công Thương đã chủ động trong giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện Net Zero trong bối cảnh vẫn thích ứng biến đổi khí hậu.

Triển khai các chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững cũng như thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Bộ Công Thương đã ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với nhiều mục tiêu cụ thể.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Nam - Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh vấn đề giảm phát thải khí nhà kính.

- Thưa ông, là một người vừa nghiên cứu, giảng dạy về môi trường và biến đổi khí hậu, ông có đánh giá gì về các mục tiêu chính của “Kế hoạch ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của Việt Nam nói chung và ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Ngay sau khi Việt Nam cam kết Net Zero tại COP26 vào năm 2021, cuối năm 2022 chúng ta đã có Quyết định số 2756/QĐ-BCT về “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, vừa tăng trưởng xanh, vừa ứng phó vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.

TS. Nguyễn Hoàng Nam - Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Quốc Chuyển

TS. Nguyễn Hoàng Nam - Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Quốc Chuyển

Đối với ngành Công Thương đặt ra mục tiêu như: Tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo ở trong tổng lượng năng lượng được tạo ra; lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện năng; chuyển dịch xanh ở trong các ngành kinh tế ngành Công Thương; thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với những điều kiện của Việt Nam.

Chỉ sau một năm sau khi Việt Nam có cam kết phát thải ròng bằng 0, ngành Công Thương đã đưa ra Kế hoạch hành động này cho thấy sự chủ động trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện cam kết Net Zero trong bối cảnh vẫn phải thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lĩnh vực năng lượng của ngành Công Thương đóng góp trên 60% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Bởi vậy, việc ngành Công Thương có kế hoạch hành động cụ thể và nhanh chóng cho thấy ngành không chỉ ý thức được vai trò cũng như trách nhiệm, mà còn có những kế hoạch thực hiện cụ thể, từ đó đóng góp được vào cam kết Net Zero của Việt Nam.

Đối với những nhà nghiên cứu hay giáo dục đào tạo, chúng tôi rất mừng khi một ngành đóng góp rất quan trọng đã có sự chủ động trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện cam kết Net Zero.

Ngoài ra, hiện nay rất nhiều các doanh nghiệp trong ngành Công Thương cũng đang có những hoạt động để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính sau khi có bản Kế hoạch hành động được ban hành. Không chỉ là xây dựng kế hoạch về kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính mà còn có các hoạt động tự nâng cao nhận thức, tự xây dựng năng lực để không chỉ đáp ứng được yêu cầu thực hiện theo đúng Kế hoạch hành động mà còn hướng tới việc đẩy mạnh hơn việc giảm phát thải khí nhà kính.

Thông qua thị trường carbon, cá nhân, doanh nghiệp và cả ngành thực hiện giảm phát thải kính nhà kính hoàn toàn có thể thu lại được những lợi ích cũng như chuyển dịch để xanh hơn và bền vững hơn.

- Là một trong những ngành có hoạt động phát thải lớn, nhất là các nhà máy công nghiệp. Qua theo dõi, ông thấy mức độ tham gia thị trường carbon của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương ra sao?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Hiện nay đã có những chính sách thể hiện rõ sự chủ động của ngành Công Thương. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thị trường carbon, bởi vậy chưa thể đánh giá được là các doanh nghiệp trong ngành Công Thương đang tham gia thị trường carbon như thế nào. Chúng ta chỉ có một số doanh nghiệp hiện nay đang tham gia vào giao dịch các tín chỉ carbon trên thị trường carbon quốc tế.

Thị trường carbon nội địa vào năm 2025 sẽ thí điểm vào 2028 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Để chuẩn bị cho thị trường carbon nội địa có thể nhận định, các doanh nghiệp trong ngành Công Thương đang hết sức chủ động trong quá trình thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính, thậm chí có những nghiên cứu tiền khả thi về khả năng phát thải carbon cũng như các kế hoạch giảm phát thải.

Thị trường carbon sắp được triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh. Ảnh: Pixabay

Thị trường carbon sắp được triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh. Ảnh: Pixabay

Chúng ta đã có Quyết định 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024. Tuy nhiên, ngoài các cơ sở bắt buộc phải thực hiện việc kiểm kê đó, tôi cũng nhận thấy nhiều doanh nghiệp hiện nay đã có hoạt động hết sức chủ động trong việc tự kiểm kê và thậm chí thực hiện các báo cáo phát triển bền vững.

Động thái này đang tạo ra xu hướng không chỉ đối với các doanh nghiệp phát thải lớn mà cả những doanh nghiệp muốn xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành Công Thương đang có những hoạt động như vậy.

- Vậy để triển khai thành công trị trường carbon, đặc biệt là để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp thực hiện, ông có đề xuất gì về cơ chế, chính sách cũng như các quy định?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Cơ chế chính sách hiện nay về cơ bản tương đối toàn diện, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức về mặt chi tiết hóa và tính khả thi của các chính sách khi đi đến quá trình thực hiện. Ngay cả Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon cũng đang được sửa đổi, bổ sung với tinh thần chuẩn bị cho thí điểm thị trường carbon vào năm 2025. Những hoạt động sửa đổi, bổ sung cũng như có những điều chỉnh về mặt chính sách là rất cần thiết.

Hiện nay, trên thế giới một tín chỉ carbon không chỉ mang tính chất là một quyền phát thải một tấn carbon mà còn có thể có những tín chỉ bao gồm tạo ra bao nhiêu việc làm xanh, bao nhiêu sự bảo tồn cho đa dạng sinh học. Bởi vậy, các tiêu chuẩn về tín chỉ carbon hết sức đa dạng ở trên thế giới và Việt Nam với mỗi ngành, với mỗi lĩnh vực sẽ đề ra các tiêu chuẩn về tín chỉ carbon khác nhau.

Chính sách của chúng ta hiện nay vẫn đang hoàn thiện và sẽ tiếp tục hoàn thiện. Những nhà lập pháp và thiết kế chính sách sẽ cố gắng để làm cho chính sách minh bạch hơn, rõ ràng hơn, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, về phía cộng đồng, về phía doanh nghiệp và toàn thể xã hội cũng nên tự trang bị những hiểu biết để có thể vận hành thị trường carbon đúng đắn và đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 một cách kinh tế nhất.

Xin cảm ơn ông!

Theo dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc và chuẩn bị cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-chu-dong-thuc-hien-cam-ket-net-zero-366741.html