Ngăn ngừa thất thu kinh phí công đoàn

Để thu hồi, xử lý nợ, chống thất thu kinh phí công đoàn (KPCĐ), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và công đoàn các cấp đã tập trung kiểm tra, rà soát, phối hợp với ngành chức năng xử lý các trường hợp chậm đóng, đóng không đúng, đủ.

Tồn đọng hàng tỷ đồng

Nghị định 191/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) đóng KPCĐ với mức 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nguồn thu này được sử dụng để tổ chức những hoạt động liên quan đến quyền lợi của người lao động như: Thăm hỏi, trợ cấp khi ốm đau, thai sản, khen thưởng, tổ chức phong trào thể thao, văn nghệ...

Lãnh đạo LĐLĐ huyện Tân Yên gặp gỡ, tuyên truyền về việc đóng kinh phí công đoàn tại một DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo LĐLĐ huyện Tân Yên gặp gỡ, tuyên truyền về việc đóng kinh phí công đoàn tại một DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Hằng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện Nghị định 191, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính công đoàn. Hiện nay, việc đóng KPCĐ của khối sản xuất kinh doanh được thực hiện qua tài khoản chung của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đây là một giải pháp khoa học, tăng hiệu quả quản lý tài chính, giảm thất thu tài chính công đoàn, công khai minh bạch. Nhờ đó, kết quả thu hằng năm luôn đạt, vượt kế hoạch. Năm 2022, tổng số KPCĐ thu qua tài khoản chung là 155 tỷ đồng, đạt 114,3% chỉ tiêu đề ra trong năm. Một số đơn vị làm tốt như: Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, LĐLĐ TP Bắc Giang, LĐLĐ huyện Yên Dũng.

Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn tồn tại một số DN chưa thực hiện nghiêm quy định về thu, nộp KPCĐ. Trong đó, phần lớn là các đơn vị thuộc khu vực sản xuất kinh doanh ngoài nhà nước, DN trong lĩnh vực sản xuất may mặc. Năm 2022, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra việc thực thi Luật Lao động và Luật Công đoàn tại 14 DN thì có 11 đơn vị chưa đóng phí công đoàn đầy đủ.

Đơn cử như: Công ty cổ phần May Yên Thế; Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG; Công ty cổ phần PT Daehan; Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG... Tổng số tiền mà các DN này chưa đóng lên công đoàn cấp trên là hơn 8 tỷ đồng. Trong khi đó, các DN đều đã hạch toán đủ 2% vào chi phí sản xuất. Thậm chí, có những trường hợp dù các cấp công đoàn tuyên truyền, đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn chây ỳ, cố tình trốn tránh trách nhiệm, không đóng hoặc chậm, nợ, thực hiện không đúng mức quy định.

LĐLĐ huyện Lạng Giang quản lý 151 công đoàn cơ sở với hơn 10 nghìn công nhân, viên chức, lao động. Trong đó, khối hành chính sự nghiệp là 98 đơn vị, khối sản xuất kinh doanh là 53 đơn vị. Việc thực hiện trích nộp 2% KPCĐ được thực hiện nghiêm túc tại khối hành chính sự nghiệp. Đối với khối sản xuất kinh doanh, dù LĐLĐ huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhưng hầu hết các đơn vị đều không đóng đủ theo quy định.

Số thu kinh phí ở các đơn vị, DN chưa có tổ chức công đoàn đạt thấp, do số DN này chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, gia đình và các DN mới thành lập, mới đi vào sản xuất nên việc thu kinh phí gặp nhiều khó khăn. Số tiền nợ đọng KPCĐ ba năm qua trên địa bàn huyện từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Theo ông Hà Văn Kha, Chủ tịch LĐLĐ huyện Lạng Giang, nguyên nhân của tình trạng khó thu KPCĐ một phần do thời gian qua dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh khiến nhiều DN gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều chủ DN vẫn chưa nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động.

Cần mạnh tay để răn đe vi phạm

Việc chấp hành không đúng quy định về đóng phí công đoàn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của người lao động. Thực tế cho thấy việc vi phạm kéo dài nhưng chưa được xử lý triệt để một phần do chế tài xử phạt còn nhẹ, lực lượng chức năng chưa thực sự kiên quyết, việc xử lý vi phạm còn hạn chế, không đủ sức răn đe.

Theo Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội: Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng KPCĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, không đủ theo số người thuộc đối tượng phải đóng.

Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội quy định: Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng KPCĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, không đủ theo số người thuộc đối tượng phải đóng. Số tiền phạt này so với số tiền mà các cơ sở nợ, đóng thiếu không đáng kể nên nhiều DN cố tình phớt lờ.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm cũng là một nguyên nhân khiến cho các DN “nhờn”, không chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, trong ba năm qua, lực lượng chức năng chưa xử lý được trường hợp nào chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, không đóng đủ KPCĐ.

Để nâng cao hiệu quả thu KPCĐ, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho người lao động, theo ông Ngô Đức Kiên, Trưởng Ban Tài chính (LĐLĐ tỉnh), LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tuyên truyền, vận động DN thực hiện nghiêm các quy định của Luật Công đoàn. Đồng thời, rà soát, thống kê, lập hồ sơ theo dõi đối tượng đóng KPCĐ, nợ tồn đọng của từng đơn vị liên tục qua các năm để đối chiếu, tiếp tục phát hành thông báo, ra công văn thu KPCĐ theo tháng, quý, năm.

Tham mưu với chính quyền địa phương cùng cấp thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của DN, trong đó có lồng ghép kiểm tra Luật Công đoàn. LĐLĐ các cấp đẩy mạnh kiểm tra, phối hợp xử lý các trường hợp nợ, đóng không đủ các loại phí công đoàn. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính công đoàn. Kịp thời khen thưởng, nêu gương đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân chấp hành tốt các quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn.

Để ngăn ngừa thất thu KPCĐ cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở trong thu hồi nợ đọng. Đối với các DN nợ số tiền lớn và vi phạm kéo dài, có dấu hiệu chiếm dụng, chiếm đoạt sẽ phối hợp với cơ quan công an điều tra, xác minh, thậm chí khởi kiện ra tòa án để đòi nợ theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả công tác thu hồi xử lý nợ, chống thất thu KPCĐ của tỉnh, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ thu tài chính công đoàn.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/410049/ngan-ngua-that-thu-kinh-phi-cong-doan.html