Ngân hàng Việt vào cuộc chơi xanh: Chủ động nâng chuẩn, thúc đẩy bền vững
Chủ động nâng chuẩn, ngân hàng Việt không đứng ngoài xu hướng xanh hóa vận hành, xây dựng chiến lược ESG bài bản, dài hạn.
Không chờ bị thúc ép bởi các tiêu chuẩn quốc tế hay những làn sóng xanh từ bên ngoài, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang chủ động “gạn đục khơi trong” để tự chuyển mình. Trường hợp Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) là một ví dụ. Mới đây, ABBANK chính thức khởi động chương trình “Nâng cao Năng lực về Ngân hàng xanh”. Chương trình được thiết kế như một kế hoạch hành động quy mô và toàn diện, nhằm hỗ trợ ngân hàng không chỉ bám sát các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) mà còn phát triển những sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh thực sự đi vào cuộc sống. Trọng tâm của chương trình là hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và điều hành (WSME).
Với lộ trình kéo dài 20 tháng, ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc “xanh hóa” danh mục tín dụng mà còn đặt mục tiêu nâng cấp toàn bộ hệ thống vận hành theo hướng bền vững. Từ xây dựng chiến lược, chính sách, quy trình thẩm định, đánh giá rủi ro môi trường, xã hội, đến việc phát triển hệ thống thông tin quản lý (MIS).

ABBANK chính thức khởi độngchương trình “Nâng cao Nănglực về Ngân hàng xanh”. Ảnh: Ngọc Linh
Trong khuôn khổ dự án, PwC sẽ tiến hành đánh giá toàn diện các nội dung từ quy trình tín dụng xanh đến khả năng phát hành trái phiếu xanh, xây dựng hệ thống chỉ số KPIs liên quan đến ngân hàng xanh, rà soát các báo cáo công bố thông tin theo chuẩn trong nước và quốc tế. Sự tham gia của các chuyên gia từ Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (CBI) cũng là một điểm nhấn, bảo đảm tính thực thi và tiệm cận chuẩn quốc tế.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, khẳng định, ABBANK đã thể hiện một cam kết mạnh mẽ khi thành lập riêng Ủy ban Chiến lược Phát triển Bền vững về ESG. Đây là nền tảng để không chỉ thực hiện chương trình hiệu quả, mà còn tạo dấu ấn vững chắc cho ngân hàng trong hành trình vươn tới một định chế tài chính xanh đúng nghĩa.
Trước đó, vào tháng 11/2024, ABBANK cùng ADB và ERM cũng đã khởi động dự án xây dựng “Hệ thống Quản lý Môi trường và Xã hội” (ESMS) dành cho hoạt động tài trợ thương mại. Bên cạnh đó, tư duy “ngân hàng xanh” không dừng ở khẩu hiệu hay các gói vay danh nghĩa mà còn thể hiện điều đó bằng sự đồng hành với các tổ chức và cộng đồng: hợp tác cùng SVF, VietED Group, Hệ thống Y tế 315… nhằm triển khai những sáng kiến tạo tác động dài hạn cho xã hội. Đó là những hành động cụ thể hóa chiến lược ngân hàng vì cộng đồng, vì môi trường, thay vì chỉ gói gọn trong lợi nhuận ngắn hạn.
Tổng Giám đốc ABBANK, ông Phạm Duy Hiếu, nhấn mạnh, chương trình khởi động không chỉ là một cột mốc trong quá trình kỹ thuật, mà còn là minh chứng cho tinh thần hợp tác bền vững và cam kết lâu dài. Ngân hàng kỳ vọng việc hoàn thiện khung năng lực ngân hàng xanh sẽ là “hộ chiếu chiến lược” để mở rộng hợp tác với các định chế tài chính quốc tế có cùng định hướng phát triển xanh.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính tại COP26, sự chủ động “lên sóng xanh” của các ngân hàng thương mại cổ phần là tín hiệu tích cực. Không còn là cuộc chơi của riêng các tổ chức phát triển quốc tế hay ngân hàng lớn nhà nước, chuyển đổi xanh đang dần được các ngân hàng thương mại nội địa tiếp cận như một lợi thế cạnh tranh thực sự.