Ngân hàng đổ hơn 620 nghìn tỷ đồng vào tín dụng xanh

Từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam đã có tốc độ phát triển ấn tượng, tương đương với mức hơn 20%/năm. Tốc độ phát triển của thị trường này thậm chí còn cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách”

Đây là con số đưa ra tại Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách” cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là xu thế toàn cầu.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết: “Trong giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm”.

Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022. Con số này chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Nhiều tổ chức tín dụng cũng đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Các tổ chức tín dụng cũng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Đơn cử như tại Agribank, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh tăng trưởng ổn định qua từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023. Tính đến 31/12/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 28.277 tỷ đồng, với 42.883 khách hàng còn dư nợ.

Về trái phiếu xanh, Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh.

“Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế. Con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh”, TS Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Bên cạnh đó, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn chính như chưa có danh mục phân loại xanh; việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn; chi phí phát sinh cho các tổ chức tín dụng lớn; hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp gây tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-do-hon-620-nghin-ty-dong-vao-tin-dung-xanh-20180504224297175.htm