Ngăn đầu cơ bất động sản: Đề xuất thắt chặt tín dụng, đánh thuế cao với người mua nhà thứ hai
Nhiều ý kiến đề xuất các chính sách để điều tiết thị trường, hạn chế đầu cơ bất động sản, như: Đánh thuế cao, thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất… đối với người mua nhà thứ hai.
Tăng lãi suất, giảm hạn mức vay với người mua căn nhà thứ hai
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trên thế giới, để đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của thị trường bất động sản, tránh những tác động gây bất ổn cho nền kinh tế, Chính phủ nhiều nước đã sử dụng chính sách tín dụng như một công cụ để điều tiết thị trường bất động sản. Thông qua việc thắt chặt hoặc nới lỏng tín dụng, Chính phủ có thể kiểm soát giá bất động sản, ngăn ngừa bong bóng, và đảm bảo sự ổn định của thị trường.
Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ các nước đi trước, VARS đề xuất một số giải pháp về chính sách tín dụng nhằm điều tiết thị trường khi thị trường có sự biến động tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng hoặc thị trường bất động sản có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội mà không ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà để ở của người dân.
Thứ nhất, VARS đề xuất thắt chặt chính sách tín dụng với người đầu cơ. Để giảm số lượng người vay vốn với mục đích đầu cơ hoặc sử dụng đòn bẩy quá cao, các tổ chức tín dụng có thể điều chỉnh giảm hạn mức cho vay thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản, yêu cầu tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có cao hơn, hoặc áp dụng mức lãi suất cao hơn với những người mua nhà thứ hai trở lên.
Thứ hai là tăng cường giám sát và quản lý tín dụng. Chính phủ có thể áp đặt các quy định về việc kiểm soát chất lượng tín dụng, yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo chi tiết hơn về các khoản vay liên quan đến bất động sản, từ đó tăng cường giám sát rủi ro. Thiết lập cơ chế tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, ưu tiên cấp vốn cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách nới lỏng tín dụng, bao gồm việc giảm lãi suất và hỗ trợ các khoản vay dài hạn với lãi suất ưu đãi cho người mua nhà lần đầu, hoặc một số đối tượng ưu tiên khác nhằm mục đích ổn định xã hội như vợ chồng trẻ mới kết hôn…
Theo ông Nguyễn Văn Đính (Chủ tịch VARS), muốn chính sách áp dụng “đúng và trúng”, Nhà nước cần xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn, đủ chính xác và có tính cập nhật cao để đảm bảo phân biệt rõ giữa người mua nhà ở thực, sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh thực, với các đối tượng đầu cơ, trục lợi.
“Việc đẩy nhanh công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản và một số chỉ tiêu ảnh hưởng để có căn cứ xác định thời điểm cần vào cuộc của Nhà nước là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt, trước bối cảnh giá bán bất động sản đang có nhiều quan ngại như hiện nay”, ông Đính cho hay.
Đánh thuế cao để ngăn đầu cơ
Để điều tiết thị trường bất động sản toàn diện hơn, theo VARS, chính sách tín dụng nên kết hợp với việc áp dụng thuế chuyển nhượng bất động sản hoặc thuế tài sản. Đồng thời, việc áp dụng các chính sách điều tiết phải lưu ý linh hoạt, đảm bảo ổn định trật tự thị trường bất động sản, hạn chế tối đa rủi ro.
Trước đó, trong một kiến nghị khác, VARS cho rằng, sắc thuế cần áp dụng với ngôi nhà thứ 2 trở lên. Tương tự, để hạn chế tình trạng đầu cơ đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng mới đây cũng đã đưa ra đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.
"Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời", Bộ Xây dựng kiến nghị.
Phản hồi đề xuất này lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Bộ này ghi nhận và tiếp thu đề xuất của Bộ Xây dựng và sẽ nghiên cứu các chính sách tài chính nói chung về thị trường bất động sản, đất đai góp phần có thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và phát triển…
“Tuy nhiên, chỉ riêng chính sách thuế thì không thể giải quyết được mà còn cần các chính sách khác như đất đai, quy hoạch. Nếu chính sách không toàn diện thì dẫn đến đạt được mục tiêu này mà ảnh hưởng mục tiêu khác, kết quả mục tiêu cuối cùng sẽ không đạt" – Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói.