Ngai vua triều Nguyễn bị phá hoại khác với ảnh tư liệu: Chuyên gia lý giải
Chuyện gia bảo tồn di sản đưa ra lý giải liên quan đến sự khác biệt của bảo vật quốc gia 'ngai vua triều Nguyễn' trong các hình ảnh tư liệu và thực tế.
Sau sự việc gã đàn ông lẻn vào khu vực cấm phá hoại ngai vua triều Nguyễn trong Điện Thái Hòa (Đại Nội Huế), nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh so sánh điểm khác biệt của bảo vật quốc gia này trong hình ảnh tư liệu và thực tế hiện tại.
Theo hình ảnh tư liệu, ngai vua triều Nguyễn đặt trên Điện Thái Hòa không có đầu rồng ở hai bên phần tựa tay, trong khi ngai hiện tại thì có. Hình ảnh tư liệu xuất hiện hai con nghê dưới bệ ngai để vua để chân, trong khi ngai hiện tại không có. Dựa trên cơ sở này mà nhiều tài khoản đặt ra hoài nghi về tính thật giả của bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn hiện tại.

Sự khác biệt giữa hình ảnh thực tế và hình ảnh tư liệu. (Ảnh tư liệu và Nguyễn T.A Phong)
18 năm gắn bó với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (1990 - 2007), cũng là người trực tiếp viết hồ sơ đề nghị công nhận ngai vàng triều Nguyễn là Bảo vật quốc gia, TS Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) - khẳng định, ngai vua triều Nguyễn vừa bị phá hoại là thật và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015. Những hình ảnh tư liệu mà mạng xã hội đăng tải cũng là thật.
TS Sơn giải thích lý do có sự khác biệt một số chi tiết giữa hình ảnh tư liệu và thực tế. Trong hồ sơ thể hiện ngai vua triều Nguyễn từng được chỉnh sửa. Hình ảnh tư liệu chụp vua Bảo Đại đang ngồi với tay ngai đơn giản, sau này bị sửa thì ngai bị thiếu hai thứ.
Thứ nhất là hai con vật (con nghê) ở dưới bệ vua để chân. Khi Bảo tàng tiếp nhận thì hai con vật này bị mất. Tuy nhiên, căn cứ vào màu sắc trên bệ ngai cho thấy dấu vết hai con vật từng tồn tại, phần từng gắn hai con nghê đậm hơn xung quanh.
Thứ hai là tay ngai đã chỉnh sửa. Thời điểm lập hồ sơ bảo tàng và các chuyên gia không có những thông tin, tư liệu chính xác và chỉ biết là ngai từng bị chỉnh sửa.
"Ngai vua triều Nguyễn hiện tại không phải ngai giả nhưng quá trình lịch sử có thể nó bị hỏng và được sửa chữa, trùng tu...", ông Sơn nói.

Chuyên gia bảo tồn cho rằng, ngai vua triều Nguyễn từng bị chỉnh sửa trong giai đoạn thời vua Bảo Đại đến năm 1975. Từ sau năm 1975 ngai có hiện trạng như hiện tại. (Ảnh: Nguyễn T.A Phong)
"Năm 1975, khi đơn vị tiếp nhận ngai đã có hiện trạng như vậy. Vì thế thời gian ngai được chỉnh sửa trong khoảng từ thời vua Bảo Đại đến năm 1975. Tôi nghĩ giai đoạn này ngai bị hư hỏng gì đó, có thể là do chiến tranh. Chúng tôi khẳng định hình ảnh tư liệu là thật và ngai triều Nguyễn hiện tại không phải bản giả nhưng trong quá trình trùng tu họ đã sửa chữa...", TS Trần Đức Anh Sơn nói thêm.
Theo TS Sơn, trong trùng tu, đôi khi nhóm thợ làm không nghiên cứu kỹ tài liệu, không có tài liệu đối chứng thì sẽ khác rất nhiều... Ví dụ như Điện Thái Hòa sửa cũng rất khác nhau hay Bửu tán (phần nằm trên ngai vàng trong Điện Thái Hòa - PV) cũng có thể bị chỉnh sửa trong quá trình trùng tu.
Một người chuyên sưu tầm tư liệu cổ vật, di sản ở Huế cho rằng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên có bộ hồ sơ nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh về bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn để chứng minh khoa học, đầy đủ tư liệu thực tế để chứng minh cái ngai này có khi nào và trong từng triều đại, giai đoạn lịch sử nó biển đổi thế nào, bản chất của nó ra sao. Khi đã phân chia được giai đoạn biến đổi thì sẽ biết được ngai thật hay ngai giả.
"Nếu như không có thông tin khoa học, thông tin lịch sử thì làm sao thuyết phục được và họ đặt nghi vấn là đúng. Khi có bộ hồ sơ khoa học đó rồi thì mỗi lần có hoài nghi chúng ta chỉ cần đưa chúng ra để chứng minh...", người trên nói.

Trước khi bị bẻ gãy, ngai vua triều Nguyễn là ngai vàng duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn ở Việt Nam. (Ảnh: Lê Hoàng)
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng "mạng xã hội nói ngai vua triều Nguyễn hiện tại là giả là không có có sở".
"Từ xưa đến nay cái ngai vẫn ở mãi đó. Từ triều Nguyễn và sau này xuyên suốt quá trình lịch sử ngai vẫn nằm ở đó cùng với bục, bệ và bửu tán thành hệ thống", Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói.
Trả lời Báo Điện tử VTC News, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cũng khẳng định, ngai vua triều Nguyễn vừa bị phá hoại là bản gốc, cũng là bảo vật quốc gia.

Ngai vua triều Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015. (Ảnh: Lê Hoàng)
Trưa 24/5, ngai vua triều Nguyễn ở trong Điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) bị Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, nơi ở hiện tại quận Bình Tân, TP.HCM) lẻn vào phá hoại, bẻ phần tựa tay bên trái và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh vỡ. Tâm đang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Huế tạm giữ hình sự để phục vụ điều tra. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng thực hiện giám định tâm thần với người đàn ông này.
Sau sự việc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật. Đồng thời, đơn vị này đưa ngai phục chế đến trưng bày tại Điện Thái Hòa phục vụ du khách.
Về ngai vàng bị hư hỏng, thời gian tới Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức thành lập Hội đồng đánh giá tình trạng hiện vật, xây dựng phương án bảo quản, xử lý hiện vật báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa.