Nga tiến hành cuộc sơ tán người dân kỷ lục kể từ chiến tranh Chechnya lần 2
Gần 194.000 người dự kiến sẽ được sơ tán khỏi các khu vực ở tỉnh Kursk và Belgorod do cuộc tấn công quân sự của Ukraine. Đây được cho là cuộc sơ tán lớn nhất kể từ cuộc chiến Chechnya năm 1999.
Chính quyền Nga vừa công bố đợt sơ tán công dân Nga lớn nhất khỏi vùng chiến sự kể từ cuộc Chiến tranh Chechnya lần thứ hai.
Theo tuyên bố của các thống đốc khu vực, gần 194.000 người sẽ được sơ tán khỏi các khu vực ở khu vực Kursk và Belgorod do cuộc tấn công quân sự đang diễn ra của Ukraine.
Tại tỉnh Kursk, quyền Thống đốc Alexey Smirnov cho biết 180.000 cư dân từ 8 quận, bao gồm cả những quận gần nhà máy điện hạt nhân Kursk, sẽ được di dời. Cho đến nay, 121.000 người đã rời bỏ nhà cửa.
Tại tỉnh Belgorod, Thống đốc Vyacheslav Gladkov đã thông báo về cuộc di dời cư dân khỏi quận Krasnoyaruzhsky với lý do “hoạt động của kẻ thù” gần biên giới. Quận này tiếp giáp với quận Belovsky ở vùng Kursk và là nơi sinh sống của 13.800 người.
Ngày 14/8, Thống đốc Gladkov đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn tỉnh, khiến Belgorod trở thành tỉnh thứ hai sau Kursk phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp do các cuộc tấn công liên tục của Ukraine.
Theo ông Gladkov, tình hình ở khu vực Belgorod vẫn cực kỳ khó khăn và căng thẳng. Các cuộc pháo kích hàng ngày của Lực lượng vũ trang Ukraine đã dẫn đến việc phá hủy nhà cửa, cũng như gây thương vong cho dân thường. Vị thống đốc Nga nói rằng chính quyền quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ khu vực Belgorod bắt đầu từ ngày 14/8 để bảo vệ người dân và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng.
Trước đó, hôm 13/8, trên kênh Telegram của mình, Thống đốc Gladkov cho biết có hoảng 11.000 người đã được sơ tán khỏi quận Krasnoyaruzhsky ở khu vực Belgorod của Nga do các hoạt động gia tăng của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Theo ông Gladkov, trong số những người di tản có khoảng 1.000 người hiện đang ở trong các trung tâm lưu trú tạm thời.
Theo Agentstvo, một cơ quan truyền thông độc lập ở Nga, lần gần đây nhất người Nga được sơ tán với số lượng lớn như vậy là trong cuộc Chiến tranh Chechnya lần thứ hai. Vào mùa thu năm 1999, khoảng 300.000 người đã sơ tán khỏi Chechnya để tới Ingushetia. Không giống như cuộc sơ tán có tổ chức hiện nay, cuộc chiến tranh Chechnya chứng kiến cư dân sơ tán tự do.
Một cuộc sơ tán có tổ chức lớn như đang diễn ra ở Kursk và Belgoro được cho là chưa từng được tiến hành ở Nga kể từ Thế chiến thứ hai và có quy mô tương đương với cuộc sơ tán khỏi thành phố Leningrad (nay là St Petersburg) năm 1941, khi 488.700 người đã được di dời.
Hôm 6/8, Ukraine đã phát động chiến dịch tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk, giáp biên giới nước này ở phía tây Liên bang Nga. Quân đội Nga cho biết, cuộc tấn công ban đầu có sự tham gia của 1.000 quân với sự yểm trợ của hàng chục xe tăng và xe bọc thép.
Chiến dịch ở tỉnh Kursk được cho là đợt tấn công qua biên giới lớn nhất mà Ukraine thực hiện từ khi xung đột bùng phát năm 2022.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 12/8 tuyên bố Nga sẽ đánh bật quân đội Ukraine khỏi tỉnh Kursk. Ông Putin nhận định Ukraine "đặt mục tiêu rõ ràng là gieo rắc bất hòa, phá hủy sự thống nhất và gắn kết của xã hội Nga", cũng như muốn cải thiện vị thế trong các cuộc đàm phán khi triển khai chiến dịch tỉnh Kursk. Ông Putin nhấn mạnh chiến dịch xâm nhập tỉnh Kursk mà Ukraine triển khai không làm suy yếu lập trường đàm phán của Nga.
Trong khi đó, cùng ngày Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky cho biết quân đội nước này tấn công tỉnh Kursk của Nga để "đảm bảo an toàn cho Ukraine và đẩy đối phương ra khỏi biên giới".
Bất chấp áp lực tại tỉnh Kursk, quân chủ lực Nga vẫn tiếp tục tiến công và kiểm soát một số khu vực ở Donbas, miền đông Ukraine, với mục tiêu chiến lược là thành phố Pokrovsk, thuộc tỉnh Donetsk.