Nga nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đề xuất liên quan đến Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Chính quyền Nga ngay sau đó đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nghiên cứu kỹ đề xuất này. Tuy nhiên, mọi diễn biến đều không theo hướng đi của Nga.

Hệ thống tên lửa hành trình 9M729 của Nga bị Mỹ cáo buộc vi phạm INF. Ảnh: Sputnik

Theo Bộ Ngoại giao Nga, nước này bày tỏ sự hợp tác mang tính xây dựng nhằm giảm thiểu hậu quả tiêu cực khi INF sụp đổ dựa trên sự hài hòa lợi ích và tôn trọng lẫn nhau. Trong đó, Nga mong muốn NATO sẽ vào cuộc một cách trách nhiệm và Nga sẽ đưa ra các biện pháp thiết thực nhằm loại bỏ mọi mối quan ngại từ cả 2 phía. Theo đề xuất của Tổng thống Putin đầu tuần trước, Nga sẵn sàng không triển khai tên lửa 9M729 tại khu vực châu Âu của Nga với điều kiện là các tên lửa tương tự do Mỹ sản xuất không có mặt ở các khu vực tương ứng.

INF được ký năm 1987 giữa Mỹ và Nga và nằm trong một loạt hiệp định kiểm soát vũ khí xác định cấu trúc an ninh châu Âu - Đại Tây Dương thời hậu Chiến tranh Lạnh. Theo INF, Mỹ và Nga phải giải trừ và bị cấm sở hữu tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên đất liền có tầm bắn từ 500km đến 5.500km. Tuy nhiên, đến tháng 2-2019, Mỹ chính thức đình chỉ INF và Nga cũng rút khỏi INF sau đó. Đến tháng 8-2019 Mỹ chính thức rút khỏi INF.

Trước những đề xuất mới của Tổng thống Putin cũng như lời kêu gọi của Nga, cuối tuần này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, các nước NATO đã từ chối đề xuất của Nga một cách vội vàng khi chưa nghiên cứu kỹ lưỡng. Chính quyền Nga đánh giá, tình hình trong lĩnh vực tên lửa là một cuộc khủng hoảng. Đặc biệt, bà Zakharova nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh NATO phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều này.

Vài ngày sau đề xuất của Tổng thống Putin, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cũng tuyên bố rằng, Mỹ sẵn sàng triển khai tên lửa siêu thanh ở châu Âu. Phản ứng trước tuyên bố này, bà Zakharova cáo buộc Mỹ đang tạo tiền đề cho sự xuất hiện một cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu. Đồng thời khẳng định, việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn trước đó bị cấm bởi INF sẽ là một bước đi cực kỳ rủi ro và gây bất ổn.

Trước đó, Tổng thống Putin đánh giá, việc Mỹ rút khỏi INF là một "sai lầm nghiêm trọng" gây ra nguy cơ gia hạn cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Trước những luồng chỉ trích Nga là bên từ bỏ INF, chính quyền Nga khẳng định luận điểm này là sai lầm. Nga đã không có hành động nào để rời khỏi INF mà Mỹ mới là bên đơn phương rút khỏi thỏa thuận khiến Nga phải chấm dứt nó.

Giới quan sát quốc tế nhìn nhận, dù INF sụp đổ nhưng Nga ngay sau đó đã đề xuất về việc thiết lập một lệnh tạm hoãn triển khai các tên lửa nêu trong INF ở khu vực châu Âu và các khu vực khác dù Mỹ đã bác bỏ sáng kiến này. Mới đây, Tổng thống Putin vẫn khẳng định rằng, Nga cam kết sẽ không triển khai các vũ khí ngoài vòng pháp luật của INF nếu NATO cũng không triển khai những vũ khí đó tới châu Âu.

Theo giới chuyên gia quốc tế, việc INF kết thúc đặt ra những thách thức quân sự mới; trong đó có thể sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ chạy đua vũ khí tên lửa. Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga ngày càng gia tăng, những mối đe dọa mới đối với an ninh châu Âu là điều hiển nhiên.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh không chắc chắn về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược - New START (hay còn gọi là START-3) được ký kết giữa Nga và Mỹ vào năm 2010 và dự kiến hết hạn vào tháng 2-2021.

Hai cường quốc hạt nhân có thể tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới nếu Mỹ và Nga đồng ý gia hạn hiệp ước được coi là công cụ cuối cùng của thế giới trong việc kiểm soát vũ khí. Trong thời gian gần đây, Nga liên tục cho thấy sự nhượng bộ Mỹ để “cứu vãn” hiệp ước cuối cùng này. Song, mọi diễn biến đang cho thấy nỗ lực của Nga là rất mong manh.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nga-no-luc-kiem-soat-vu-khi-hat-nhan-post434811.html