Nga đối mặt với viễn cảnh đen tối: Mỹ triển khai tên lửa hạt nhân đến Ukraine?
Trước viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO, nước Nga hoàn toàn có cơ sở để lo lắng về việc Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa Aegis Ashore đến Kiev.
Cuối tuần trước, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông qua một chiến lược phòng thủ mới, có tính đến cả các mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc. Dù tưởng chừng như không liên quan nhưng chiến lược này của NATO đang tác động xấu đến mối quan hệ vốn chẳng mấy tốt đẹp với nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau đó đã lên tiếng chỉ trích NATO đang phá vỡ “lời hứa” không mở rộng vùng ảnh hưởng về phía Đông, cụ thể hơn là hướng đến châu Á.
Dĩ nhiên người Nga có lý khi nói như vậy, bởi NATO được xây dựng dựa trên nền tảng liên minh quân sự giữa các nước châu Âu và Bắc Mỹ, việc liên minh này ngày càng mở rộng vùng ảnh hưởng về phía châu Á đang tạo thêm sức ép an ninh lên Moskva.
Theo chuyên gia quân sự Sergey Marzhetsky, cái cớ lo ngại đe dọa an ninh từ phía Trung Quốc mà NATO đưa ra không khác gì việc họ phóng đại sự nguy hiểm của Iran trong quá khứ, cũng từ đó Mỹ bắt đầu triển khai thêm nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đa năng đến châu Âu. Các bệ phóng tên lửa của Washington ngày một tiến sát tới biên giới nước Nga.
Lập luận được phía Mỹ đưa ra chính là lo sợ Iran sẽ tấn công tên lửa vào châu Âu và NATO cần phải có hành động để bảo vệ đồng minh.
Cái cớ này của Mỹ không thật sự thuyết phục khi quan hệ giữa Iran và các nước châu Âu dù không quá tốt nhưng họ có lợi ích gắn liền thông qua các hợp đồng cung cấp dầu mỏ, đây cũng là một trong những nguồn thu ngân sách chính của Tehran. Không có lý do gì để Iran tấn công đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này.
Tất nhiên, Washington viện vào mối đe dọa từ Iran để triển khai một loạt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đến các nước Đông Âu như Ba Lan, Romania. Điều nguy hiểm là các hệ thống này có thể được chuyển đổi để triển khai các tên lửa hành trình Tomahawk (có khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân) chỉ trong 24 giờ. Rõ ràng mục tiêu của Mỹ khi triển khai tên lửa ở Đông Âu là nhằm uy hiếp Nga hơn là đề phòng Iran tấn công.
Tuy nhiên, tham vọng của Mỹ không dừng ở đó mà họ đang muốn mở rộng các hệ thống này sang tận Ukraine và Gruzia, khó có thể tưởng tượng được Moskva sẽ phản ứng thế nào nếu Aegis được triển khai đến Kiev.
Tên lửa Mỹ đang áp sát biên giới Nga
Viễn cảnh trên hoàn toàn có thể xảy ra khi Ukraine và Gruzia gia nhập NATO, Washington sẽ sớm hiện thực hóa ý định này dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Vậy nước Nga sẽ đối mặt với nguy cơ nào, và cần phải làm gì để ngăn chặn chúng?
Cùng với việc bán đảo Crimea chính thức được sáp nhập vào Nga (2014), khu vực này bất đắc dĩ trở thành tiền đồn giúp Moskva ngăn chặn NATO mở rộng vùng kiểm soát trển Biển Đen. Nhưng điều này cũng khiến Nga đối mặt với nhiều thách thức an ninh khác như sự thù địch từ Ukraine cũng như việc tàu chiến Mỹ ngày càng hiện diện nhiều hơn cho trong vùng biển này.
Theo nhận định của Marzhetsky, kể cả khi Mỹ tìm được cách “qua mặt” Công ước Montreux triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay vào biển Đen thì hải quân Nga trong khu vực vẫn có thể đối phó với nguy cơ này. Tuy nhiên, nếu Ukraine và Gruzia được gia nhập NATO mọi việc sẽ diễn biến theo chiều hướng không có lợi cho Moskva.
Thứ nhất, nhóm tàu sân bay của Mỹ hoặc các nước NATO có thể sẽ được triển khai lâu dài ở Ukraine và Gruzia, cùng với đó là các căn cứ không quân trong khu vực, điều này sẽ cho phép NATO đảm bảo ưu thế trên không nếu liên minh muốn tiến hành các chiến dịch quân sự trên biển Đen.
Thứ hai, các vùng ở Odessa, Ochakiv và Mykolaiv của Ukraine, Batumi, Poti của Gruzia hoàn có thể biến thành các căn cứ tiền đồn của NATO ở Biển Đen. Cũng từ đó Mỹ sẽ có cớ để triển khai hệ thống Aegis ở hai nước này, đây sẽ là điều kiện tiên quyết để bảo vệ hạm đội NATO trước các cuộc tấn tên lửa của Nga nếu xung đột nổ ra.
Thứ ba, một căn cứ quân sự của NATO đang dần được hình thành ở Ochakiv (Ukraine) với sự hỗ trợ của người Anh, từ đây liên minh có thể hoàn toàn kiểm soát được số tàu chiến Hạm đội Biển Đen của Nga ra vào căn cứ trong khu vực lân cận.
Cuối cùng, để đảm bảo duy trì ưu thế về mặt quân sự Mỹ sẽ không ngần ngại triển khai thêm các hệ thống Aegis đến Zaporizhia và Kharkiv, từ đây các tên lửa hành trình Tomahawk đủ sức vươn tới mọi mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ nước Nga.
Cũng theo Marzhetsky viễn cảnh trên hoàn toàn có thực, và chúng ngày một rõ ràng khi các chính quyền thân phương Tây ở Ukraine và Gruzia lên nắm quyền, kéo theo đó là sự bất ổn ở biên giới phía Tây nước Nga từ năm 2008 cho đến nay.