Nếu mệt mỏi, hãy đến bảo tàng...

Chừng 30 năm trước, khi tôi còn làm ở Bảo tàng tỉnh, mỗi khi có bạn đến chơi thường phàn nàn rằng, đến chỗ ông mệt quá.

Cảm thán mà các bạn bày tỏ không hẳn chỉ bởi không gian ẩm thấp, những căn nhà cũ và cái gì cũng cũ, mà còn bởi rất nhiều hiện vật được bày trong khuôn viên cái thì mốc thếch, cái thì rất khó để nhìn.

Hồi ấy có người còn bảo nhìn tôi trông cũng tàng tàng, cổ cổ như những hiện vật mà tôi tiếp xúc hàng ngày. Những hiện vật tôi cảm nhận rất rõ giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật, đem theo nhiều thông điệp cuộc sống, tiếng nói từ quá khứ, nhưng lại bị nhìn nhận một cách thiếu công bằng, rằng: Trông rất mệt!

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi tư duy làm bảo tàng khi ấy chủ yếu là bảo quản hiện vật, chưa nghĩ nhiều đến việc phát huy giá trị. Thứ thì cất biệt vào kho vì sợ bị đánh cắp, cái đem ra trưng bày thì cũng cửa đóng then cài, vì an ninh, lớn hơn là vì không thường xuyên có khách tham quan. Hiện vật cỡ lớn thì buộc phải bày ra khuôn viên.

Khi ấy không chỉ mình bảo tàng nơi tôi công tác bị chê là “mệt”, mà là tình trạng chung của bảo tàng cấp tỉnh, cấp ngành, công chúng chưa nhìn thấy, chưa chia sẻ với giá trị của hiện vật ở bảo tàng.

Mấy năm trước trở lại nơi từng làm việc mà tôi không tin vào mắt mình. Vẫn là những hiện vật ấy, nhưng xuất hiện ở tâm thế khác, được hỗ trợ bằng công nghệ và phương pháp trưng bày mới. Những thứ từng bị ám chỉ là rêu mốc ở khuôn viên cũng được làm mới bằng một nghệ thuật xếp đặt. Khuôn viên bảo tàng đã đúng với tên gọi của nó.

Hỏi giám đốc bảo tàng, anh nói một thôi một hồi về sự đổi mới và viện dẫn cách làm bảo tàng ở châu Âu... Anh nói rằng, bảo tàng ở bên đó là điểm đến khá đắt đỏ thông qua vé vào cửa. Người làm bảo tàng cũng được tôn trọng bởi kiến thức và sự nghiêm cẩn trong ứng xử khoa học...

Nhìn chung là anh đã cung cấp cho tôi một tư duy làm bảo tàng để có được sự đón nhận của công chúng. Tôi tin vào điều ấy, bởi tôi đã có câu trả lời từ chính những đoàn khách đến bảo tàng. Họ không cho thấy sự khiên cưỡng khi phải đến bảo tàng theo diện khách đoàn trong những chuyến tham quan thực tế của một khóa học, hay đoàn đại biểu được tổ chức bởi một đơn vị cấp xã như thời tôi còn làm việc ở đây.

Những đoàn khách đến đây bây giờ theo liên kết tour và để trải nghiệm thực tế.

Tôi nghĩ rằng, có lẽ bây giờ đến bảo tàng giống như đến công viên, một nơi để thư giãn, giải trí thì đúng hơn. Vậy nên những lần mệt mỏi, tôi thường đến bảo tàng.

Vẫn là hiện vật ấy, nhưng cái mới chính là tư duy làm bảo tàng đã thu hút khách đến theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương". Và từ bảo tàng, tôi nghĩ rộng ra, còn nhiều thiết chế văn hóa hiện nay đang rơi vào tình trạng gần như bỏ hoang. Nếu tư duy của những người quản lý những thiết chế ấy cũng thay đổi, thì có lẽ sẽ không còn rơi vào tình trạng lãng phí, không còn ai thấy “mệt” khi đến với những thiết chế ấy nữa.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/neu-met-moi-hay-den-bao-tang-212803.htm