Nếu chụp hình… xin đừng đến thăm!

Vân khá xinh đẹp và chỉn chu. Trong nhóm bạn thân, Vân là người được chúng tôi yêu quý nhất. Vân không chỉ biết chia sẻ, quan tâm, đưa ra những lời khuyên bổ ích mà còn tạo cho chúng tôi sự gần gũi, thân thương như người thân.

Vân khá xinh đẹp và chỉn chu. Trong nhóm bạn thân, Vân là người được chúng tôi yêu quý nhất. Vân không chỉ biết chia sẻ, quan tâm, đưa ra những lời khuyên bổ ích mà còn tạo cho chúng tôi sự gần gũi, thân thương như người thân.

Chỉ có điều, bạn quá chỉn chu, cầu toàn nên đôi khi lại thành ra khó tính. Tuần trước, Vân không may bị đau ruột thừa phải mổ cấp cứu ở bệnh viện. Vân xin nghỉ phép nhưng không thông báo với cơ quan là mình bị ốm, chỉ vì một lý do đơn giản: Vân không thích mọi người tới thăm mình lúc ốm đau!

Thoạt nghe, chúng tôi thầm hiểu, chắc ở bệnh viện, Vân không trang điểm, quần áo xộc xệch, đầu tóc bẩn bết, thân thể tiều tụy…, nên sợ mất hình ảnh.

Những ở đời “cái kim trong bọc còn có ngày lòi ra” huống hồ là việc lớn như vậy. Biết chuyện, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… đều tới thăm Vân, có lúc chật cứng cả buồng bệnh. Bác sĩ phải nhắc nhở người thăm ra bớt ngoài hành lang, nói chuyện nhỏ nhẹ để không làm ảnh hưởng đến việc điều trị của những bệnh nhân khác trong phòng…

Khi mọi người về hết, Vân tỏ ra buồn phiền. Thấy vậy, tôi an ủi: - Vân ốm, mọi người đến thăm hỏi là rất đáng trân trọng. Người ta có thương yêu, quan tâm mới đến tận nơi động viên, biếu quà, bạn phải vui chứ sao lại buồn thế!

Vân thở dài rồi nói như tâm sự: - Quan tâm, hỏi thăm nhau lúc khó khăn, hoặn nạn, đau ốm là nét đẹp truyền thống quý báu. Nhưng tôi vẫn cho rằng, thương đúng lúc, chăm lo, hỏi han đúng chỗ còn đáng quý hơn. Bệnh viện không phải là nơi nghỉ dưỡng, thậm chí có nơi còn luôn trong tình trạng quá tải. Người ốm đến mức phải nằm viện thường có bộ dạng khó coi hơn bình thường, thân thể gầy gò, tiều tụy, thần sắc mỏi mệt, xanh xao. Có bệnh nhân nặng, khắp người đeo lỉnh kỉnh chai lọ, dây truyền, vệ sinh cá nhân tại chỗ…

Nhưng bạn thấy đấy, nhiều người tới thăm, tay lăm lăm chiếc điện thoại để chụp ảnh, quay video, rồi vô tư đăng lên mạng xã hội mà không cần biết người bệnh có đồng ý hay không… Bệnh nhân cũng cần phải được bảo vệ quyền riêng tư, nhiều người không muốn cho người khác biết, chưa nói tới chuyện không bao giờ muốn hình ảnh ốm yếu, xấu xí của mình bị lan truyền trên các trang mạng xã hội. Hơn nữa, bệnh viện là nơi dễ lây lan bệnh tật, nhất là những bệnh truyền nhiễm, người đến thăm thiếu kiến thức phòng bệnh sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh và lây cho người thân, cộng đồng. Mình nghĩ, trước khi định vào viện thăm ai đó, hãy tự hỏi sự xuất hiện của mình có thực sự hữu ích cho quá trình cải thiện bệnh tình, tâm trạng của người ốm không. Với mình, một tin nhắn ấm áp, một cuộc điện thoại hỏi thăm thân tình cũng là rất đáng quý.

Tôi nhíu mày suy ngẫm, nhìn bạn chằm chằm, nói một câu nửa đùa nửa thật: - Như vậy liệu có khó tính quá không?! Nhưng nghĩ kỹ, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của bạn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202312/neu-chup-hinh-xin-dung-den-tham-0350746/