Nên ưu tiên sử dụng gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe đạp, xe máy
Nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông trước đề xuất sử dụng gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, quy định này sẽ tận dụng tối đa diện tích công cộng trong bối cảnh thiếu điểm trông giữ xe.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi Dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó Điều 40 quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông.
Việc cho phép sử dụng tạm thời gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe - theo Bộ GTVT nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, dự thảo cho phép gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ các phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng.
Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại đến tuổi thọ cầu, an toàn giao thông khi cho phép trông giữ xe dưới gầm cầu.
Ngày 24/7, trao đổi với P.V VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trong điều kiện hiện nay, giao thông tĩnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thiếu, nên việc cho phép sử dụng tạm thời gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe là một giải pháp.
“Tuy nhiên, nếu luật hóa (đưa vào trong luật - P.V) thì tôi e rằng chưa ổn. Dù luật chỉ cho phép sử dụng “tạm thời” nhưng khi đã xin được cấp phép làm bãi trông giữ xe rồi thì “chẳng tạm thời đâu”. Người ta sẽ có rất nhiều lý do và “níu” vào luật để triển khai. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, cháy nổ”, TS. Khương Kim Tạo cho hay.
Ông phân tích, khi gầm cầu được trưng dụng làm bãi đỗ xe thì ô tô sẽ vào ra tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, có thể xảy ra tình huống ô tô cháy nổ, ảnh hưởng đến công trình cầu.
“Có thể không sập cầu nhưng ảnh hưởng đến tuổi thọ. Do đó, theo tôi không nên đưa nội dung này vào luật. Thay vào đó, nếu địa phương thực sự bức bối về giao thông tĩnh thì trình Chính phủ cho phép giải quyết tình thế tức thời trong 5 - 7 tháng hoặc 1 hay 2 năm.”, ông Tạo kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, không gian dưới gầm cầu cạn nên sử dụng trồng cây xanh, vốn đang rất thiếu tại đô thị lớn.
Các cầu vượt thường nằm ở các tuyến giao thông huyết mạch, khi xe ra vào điểm trông giữ cần quay đầu, gây cản trở phương tiện khác trên đường.
Do đó, theo PGS. TS Trần Chủng, chính quyền đô thị cần xây dựng bãi đỗ xe tĩnh hơn là tận dụng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe, kiểu chắp vá.
Ở chiều ngược lại, trao đổi với P.V, chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình cho rằng, việc dự thảo luật cho phép sử dụng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để tận dụng phần diện tích công cộng hiện đang bị bỏ phí, trong khi đang rất thiếu diện tích đỗ xe trong khu vực đô thị có mật độ dân số cao.
“Tuy nhiên, không phải toàn bộ diện tích dưới gầm cầu cạn sẽ được dùng để đỗ xe. Trước hết, phải khẳng định rằng cần phải ưu tiên cho việc đảm bảo an toàn giao thông. Trong trường hợp gầm cầu có vị trí có thể gây mất an toàn giao thông hoặc gây ùn tắc thì không nên bố trí bãi đỗ xe ở đó”, TS. Phan Lê Bình bày tỏ.
Ông cho rằng, trước hết các thành phố nên ưu tiên làm chỗ trông giữ xe đạp, xe máy nếu là vị trí ở gần các ga đường sắt đô thị. Hiện nay các nhà ga đường sắt đô thị đã xuất hiện vấn đề thiếu bãi đỗ xe máy, xe đạp cho người dân khi muốn kết hợp xe đạp, xe máy với đường sắt đô thị.
“Sử dụng diện tích gầm cầu cạn cho việc trông giữ xe đạp, xe máy sẽ giúp mở rộng bán kính phục vụ cho đường sắt đô thị, giúp người dân dễ sử dụng đường sắt đô thị hơn.
Ví dụ các vị trí gầm cầu cạn dưới đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hoặc dưới Vành đai 3 trên cao của Hà Nội, ở khu vực gần ga Vành đai 3 có khả năng xem xét làm chỗ đỗ cho xe đạp, xe máy”, TS. Phan Lê Bình nêu.
Theo ông Bình, kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, đất nước này cũng sử dụng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe đạp, xe ô tô, nhưng họ thường bố trí ở những khu vực có lưu lượng giao thông thấp.
“Không chỉ đơn giản là quây lưới để làm bãi đỗ xe, mà phải xem xét bố trí thêm gờ giảm tốc, đảo giao thông, gương cầu... hợp lý để đảm bảo chống va chạm giữa luồng xe đi thẳng với các phương tiện ra vào bãi đỗ”, TS. Phan Lê Bình lưu ý.