Nên quy định theo hướng xin ý kiến một lần cơ quan quản lý tài nguyên nước
Chiều 5.6, tham gia thảo luận vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng: Thủ tục về cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi; giấy phép về môi trường đối với các dự án đầu tư; giấy phép xả thải vào nguồn nước... Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xin ý kiến một lần cơ quan quản lý tài nguyên nước và văn bản có hiệu lực trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính khác.
Phân định rõ hơn các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Theo ĐB Trần Khánh Thu, Luật Tài nguyên nước năm 2012 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2013, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai một số quy định của Luật giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực; đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước; một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp…
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước năm 2012, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, phân định rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước bảo đảm đầy đủ các quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý.
Trong đó, nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra được quy định tại khoản 7, Điều 4 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị bỏ các quy định về liệt kê tên các loại quy hoạch chuyên ngành nhằm tránh việc nêu không đầy đủ. Cụ thể, cần sửa lại như sau “Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước; bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, không vượt quá ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước và có các biện pháp bảo đảm đời sống dân cư; phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước”.
Đối với việc “Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước” tại điểm d khoản 3 của Điều 12 dự thảo luật, ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng: Cần rà soát, xem xét lại nội dung này vì nội dung này là một trong các nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt quy định tại Điều 9 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17.11.2020. Quy định này, có cần phải nhắc lại ko, đại biểu Thu băn khoăn.
Khoáng sản khác trên sông, hồ phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý tài nguyên nước
Tại khoản 2 của Điều 15 của dự thảo luật về dòng chảy tối thiểu có quy định“Dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu hồ chứa, đập dâng là một trong những căn cứ để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt các nhiệm vụ sau:
a) Quy hoạch về tài nguyên nước; quy hoạch tỉnh và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
b) Quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông;
c) Phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;
d) Dự án xây dựng hồ chứa, đập dâng trên các sông, suối; dự án chuyển nước lưu vực sông;
đ) Cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
e) Các dự án có liên quan trực tiếp đến việc duy trì, bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông, suối”
Theo Đại biểu Quốc hội việc xác định dòng chảy tối thiểu phải triển khai làm trước quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, trong dự thảo không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố, cũng như các phương pháp, các công cụ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định (dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng…). Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng: Nếu không có hoặc chưa xác định được liệu quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh và nhiều quy hoạch khác có phê duyệt được không? Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, cân nhắc lại quy định này cho phù hợp với thực tiễn cũng như các văn bản pháp luật có liên quan.
Liên quan đến việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ lụt, ngập úng nhân tạo tại khoản 1 Điều 60 có quy định “Nhà nước đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình trữ nước, tìm kiếm nguồn nước để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; xây mới, cải tạo, phục hồi các hồ, ao có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập lụt; ưu tiên tận dụng các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác đã bảo đảm các quy định của pháp luật về môi trường, khoáng sản tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ, tạo cảnh quan sinh thái, phòng, chống ngập lụt, cấp nước dự phòng”. Theo đánh giá của ĐBQH tỉnh Thái Bình, trong thực tế, ngoài các hồ, ao có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập nước còn có các công trình khác, như các công trình lỗ khoan, hố đào, kênh mương… thu gom nước mưa chống ngập úng ở các đô thị. Vì vậy, để phản ánh đầy đủ các công trình liên quan trong nội dung này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung nội dung nhiễm mặn nguồn nước; xây mới, cải tạo, phục hồi các hồ chứa, ao và các công trình có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập lụt.
Trong dự thảo có quy định các hoạt động cải tạo lòng, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý tài nguyên nước. Quy định này liên quan đến các thủ tục hành chính khác, như: thủ tục về cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi; giấy phép về môi trường đối với các dự án đầu tư; giấy phép xả thải vào nguồn nước... Do đó, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xin ý kiến một lần cơ quan quản lý tài nguyên nước và văn bản có hiệu lực trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính khác.