Nên phòng ngừa sớm tội thao túng chứng khoán để không phải 'hình sự hóa'
Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần nhất quán một nguyên tắc là không 'hình sự hóa' các quan hệ kinh tế, thay vào đó nên chú trọng các giải pháp phòng ngừa sớm kết hợp với nâng cao vai trò của đơn vị kiểm toán độc lập.
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai phát biểu tại hội trường sáng 7/11
Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (gọi tắt là Dự thảo 1 Luật sửa 7 luật về tài chính).
Không áp cấu thành của Bộ luật Hình sự vào các luật chuyên ngành
Thảo luận về Luật Chứng khoán (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nói rằng: "Trong 7 luật này cũng như các luật sửa đổi trước đây về lĩnh vực kinh tế, chúng tôi thấy có một xu hướng là các nội dung liên quan đến điều cấm và các hành bị cấm, hầu hết các cơ quan soạn thảo thường đối chiếu với các tội danh có liên quan của Bộ luật Hình sự, sau đó điều chỉnh quy định về các hành vi bị cấm tương đồng với Bộ Luật Hình sự. Tôi cho rằng đây là một xu thế cần hết sức cân nhắc".
Trong dự án luật này, đại biểu viện dẫn, tại khoản 6 Điều 12 có bổ sung vào 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều có chung một quan điểm là để đảm bảo tính thống nhất theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Đại biểu cho rằng: "Cả về định hướng chính sách và kỹ thuật thì rất nên cân nhắc vấn đề này. Chúng ta đang có một quan điểm chỉ đạo rất quan trọng, định hướng rất lớn, đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự".
Muốn đạt được mục tiêu này thì trong các điều cấm không nên lấy cấu thành hình sự của Bộ luật Hình sự ra để áp đặt, đảm bảo đồng nhất với luật chuyên ngành.
"Bởi vì, muốn phòng ngừa sớm, muốn xử lý sớm thì quy định về các điều cấm trong các luật chuyên ngành phải rộng hơn các cấu thành của Bộ luật Hình sự. Điều đó tạo điều kiện để chúng ta đưa ra các biện pháp phòng ngừa vào.
Cụ thể là phải xử phạt hành chính trước để ngăn chặn sớm, sau đó trong những trường hợp gây mức độ nguy hiểm nhất định, gây ra thiệt hại nhất định thì mới xử lý hình sự. Đó là nguyên lý của xử lý hình sự và nguyên lý phòng ngừa của pháp luật", vị đại biểu phân tích.
Về mặt kỹ thuật, theo đại biểu Hoàng Công Long, hiện nay nội dung 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán được bổ sung tại Điều 12 trong dự thảo luật sửa đổi Luật chứng khoán không có gì mới, mà chỉ là các cấu thành cơ bản của Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Trong khi đó, các cấu thành này được xây dựng cách đây hơn 10 năm, vào thời điểm mà thị trường chứng khoán và các tội danh liên quan đến thị trường chứng khoán đã thay đổi rất nhiều.
Cho nên, đại biểu cho rằng việc lấy "bổn cũ soạn lại" từ năm 2012 đến bây giờ để đưa vào trong Luật Chứng khoán là rất cũ và không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
"Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nên rà soát rất kỹ, không chỉ có luật này và các luật khác nữa, các hành vi bị cấm không nên lấy các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự ra để làm căn cứ đối chiếu và quy định một cách tương đồng", ông Long đề nghị.
Nâng cao vai trò của cơ quan kiểm toán độc lập
Nêu giải pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Hoàng Công Long nhấn mạnh vai trò của các hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là các hoạt động kiểm toán độc lập.
Dẫn chứng vừa qua xảy ra hàng loạt vụ án về chứng khoán gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đại biểu nhận định có phần từ sự yếu kém và "lỗ hổng" quản lý của hoạt động kiểm toán độc lập. Cụ thể là không xác minh, không xác thực được những hoạt động thực sự của các doanh nghiệp nên đã để lọt các sai phạm không được cảnh báo trước.
"Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự chúng ta đang thiếu tội danh liên quan đến xử lý trực tiếp đối với các vi phạm trong các hoạt động kiểm toán độc lập.
Vì vậy, chúng tôi mong rằng, bên cạnh luật sửa đổi những nội dung liên quan của Luật Chứng khoán, trong Luật Kiểm toán độc lập, chúng ta cũng nên rà soát, sửa đổi các hành vi về các điều cấm trong luật này để làm cơ sở xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực kiểm toán độc lập", ông Long kiến nghị.
Bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đồng tình với dự thảo về việc bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thu thập, tập hợp thông tin, phát hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán; đồng thời quy định về quyền, trách nhiệm, quy trình phối hợp với cơ quan điều tra liên quan đến các tội phạm về thị trường chứng khoán, trong đó có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Tuy vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định tại dự thảo luật là phù hợp và thống nhất với các quy định pháp luật liên quan trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
"Cần rà soát và làm rõ chi tiết hơn các khái niệm, định nghĩa liên quan đến việc xác định hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, hiện nay việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phức tạp, ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định tại dự thảo luật hoặc văn bản giao Chính phủ quy định, đảm bảo các quy định có khả năng bao quát được các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ", bà Mai đề xuất.