Nên bỏ mục khen thưởng

Ngày 1/8, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của đại diện các bộ, ngành về Nghị định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tố cáo (TC).

Toàn cảnh cuộc họp . Ảnh:TH

Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 41 điều; Chương 1: Quy định chung; Chương 2: Quy định chi tiết các điều khoản của Luật TC giao Chính phủ quy định; Chương 3: Quy định hình thức TC, xử lý trường hợp nhiều người TC cùng một nội dung; Chương 4: Trình tự, thủ tục giải quyết TC; Chương 5: Khen thưởng và xử lý vi phạm; Chương 6: Điều khoản thi hành.

Nghị định quy định về thời hạn giải quyết TC, gia hạn giải quyết TC tại Điều 30, Luật TC quy định về thời hạn giải quyết TC là 30 ngày và những trường hợp được gia hạn thời hạn giải quyết TC.

Theo tinh thần của Luật TC 2018, thời hạn giải quyết TC là 30 ngày, việc gia hạn giải quyết TC chỉ thực hiện đối với vụ việc phức tạp, đặc biệt phức tạp. Căn cứ vào quy định này của Luật, dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết nội dung này như sau: Trong quá trình giải quyết TC, người có thẩm quyền giải quyết TC thấy vụ việc có nhiều nội dung phải kiểm tra, xác minh, nội dung tiến hành kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm; vụ việc liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân mà việc áp dụng thời hạn giải quyết TC theo khoản 1 Điều 30 của Luật TC không thể kết luận được nội dung TC thì có quyền gia hạn giải quyết TC theo quy định tại khoản 2, Điều 30, Luật TC.

Đối với vụ việc TC có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bị TC hoặc liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bị TC hoặc liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; nhiều người TC, vụ việc có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan; có yếu tố nước ngoài mà người có thẩm quyền giải quyết TC đã gia hạn giải quyết TC một lần nhưng vẫn không đủ thời gian để kết luận nội dung TC, có quyền gia hạn giải quyết TC theo quy định tại khoản 3, Điều 30 của Luật TC.

Điều 33 Luật TC quy định về vấn đề rút TC. Tuy nhiên, lại quy định về hình thức rút đơn, để có căn cứ làm cơ sở cho việc đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết TC. Dự thảo Nghị định quy định: Việc rút TC được thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Việc căn cứ để người đúng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc TC thuộc thẩm quyền của cấp dưới. Đây là quy định mới của Luật TC nhằm đảm bảo cho việc giải quyết TC được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Dự thảo Nghị định nêu các căn cứ của việc giải quyết TC có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đó là vụ việc đã được thụ lý giải quyết nhưng có 1 trong các căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 37 của Luật TC.

Dự thảo cũng quy định trường hợp thể hiện có dấu hiệu không khách quan trong quá trình giải quyết là người bị tố cáo là vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị em ruột của người giải quyết TC.

Bảo vệ người TC, dự thảo Nghị định chỉ quy định cụ thể hơn về một số vấn đề như việc kiểm tra, xác minh đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ làm căn cứ ra quyết định bảo vệ và kinh phí bảo vệ người TC tại Điều 7, 8 dự thảo Nghị định...

Cho ý kiến về các nội dung dự thảo Nghị định, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung Dự thảo mà Ban soạn thảo, Tổ biên tập đưa ra. Đồng thời cho rằng, một số nội dung nên nghiên cứu chỉnh sửa lại cho phù hợp với Luật TC và để cho các quy định của Luật đi và cuộc sống, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền TC và giúp các cơ quan Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết TC.

Vấn đề bảo vệ người TC là vấn đề vô cùng cần thiết và khó, vì vậy Nghị định cần quy định chi tiết cơ quan nào bảo vệ người TC, đối tượng được bảo vệ, vì có nhiều đối tượng liên quan như con, cháu, người TC; thời gian bảo vệ.

Mặt khác, theo các đại biểu, cái gì chi tiết được thì chi tiết và phải có tính khả thi như bảo vệ tính mạng người TC.

Đối với vấn đề rút đơn TC, các đại biểu cho rằng có thể rút đơn TC bằng đơn hoặc rút bằng miệng, thì cần phải có biên bản. Bỏ những thứ không cần thiết và tự bó chặt mình.

Về gia hạn TC trong thực tế thì thời gian giải quyết TC có thể dài hơn, hoặc quy định thực tế hơn. Nên quy định theo hướng làm rõ thế nào là vụ việc phức tạp, vụ việc đặc biệt phức tạp để áp dụng thời hạn giải quyết.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đánh gá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời tiếp thu ý kiến nêu trên.

Phó Tổng Thanh tra yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập nắm bắt 2 nội dung chính là những quy định chi tiết các điều khoản của Luật TC và biện pháp thi hành luật. Trong đó nhấn mạnh cần giải thích rõ vì sao có quy định này, tổ chức thi hành Luật nên giữ lại những gì cần thiết, lược bớt những thứ không cần, cơ cấu nội dung Nghị định tương thích với Luật TC.

Hướng dẫn kỹ chương bảo vệ người TC, bãi bỏ mục Khen thưởng, giữ mực xử lý kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm túc Luật TC...

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/nen-bo-muc-khen-thuong_t114c1059n136892