NASA phát hiện hạt mầm sự sống sinh ra từ 2 'tử thần'

Hướng về hệ sao đôi cực đoan Wolf-Rayet 140, kính viễn vọng NASA đã chụp được thứ có thể giải thích nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất.

Theo NASA, các nhà thiên văn học từ lâu đã cố gắng theo dõi cách mà carbon - được coi như "xương sống" của sự sống - phân bố trong vũ trụ. Giờ đây, kính viễn vọng không gian James Webb do cơ quan này phát triển và điều hành chính đã đem lại đột phá.

Phát hiện đến từ hệ thống sao đôi Wolf-Rayet 140, gồm 2 ngôi sao thuộc loại Wolf-Rayet cực đoan, khối lượng lớn hơn Mặt Trời đến 10 lần và có thể nóng tới 20.000-30.000 độ C.

Cặp sao Wolf-Rayet 140 "tử thần" và những lớp bụi giàu carbon, thứ được coi như hạt mầm sự sống - Ảnh: NASA/ES/CSA

Cặp sao Wolf-Rayet 140 "tử thần" và những lớp bụi giàu carbon, thứ được coi như hạt mầm sự sống - Ảnh: NASA/ES/CSA

Cặp sao "tử thần" này quay quanh nhau trên một quỹ đạo hẹp và dài. Khi chúng lướt qua nhau, gió sao từ mỗi ngôi sao va vào nhau, vật chất bị nén lại và bụi giàu carbon hình thành.

Những quan sát mới nhất của James Webb cho thấy 17 lớp bụi tỏa sáng trong ánh sáng hồng ngoại trung bình đang mở rộng theo các khoảng thời gian đều đặn vào không gian xung quanh.

"Kính viễn vọng không chỉ xác nhận rằng các lớp bụi này là có thật mà còn cho thấy các lớp bụi này di chuyển ra ngoài với vận tốc đồng đều, với sự thay đổi có thể nhìn thấy được trong khoảng thời gian cực kỳ ngắn" - TS Emma Lieb từ Đại học Denver (Mỹ) cho biết.

Trong nghiên cứu vừa công bố trên The Astrophysical Journal Letters do TS Lieb dẫn đầu, các nhà khoa học đã tìm hiểu sâu về những lớp bụi giàu carbon mà Wolf-Rayet 140 tạo ra.

Các phân tích và tính toán cho thấy mỗi lớp bụi tồn tại trong hơn 130 năm và cuối cùng cặp vật thể cực đoan này sẽ tạo ra hàng chục ngàn lớp bụi trong hàng trăm ngàn năm.

Khi phóng to hình ảnh các lớp bụi, họ cũng nhìn thấy một số đám bụi đã tích tụ thành những đám mây có kích thước bằng cả Thái Dương hệ.

Cặp sao Wolf-Rayet này đang dần đi đến hồi kết và các nhà khoa học dự đoán nó sẽ thành một siêu tân tinh vô cùng mạnh mẽ, thổi tung các lớp bụi giàu carbon này đi khắp nơi trước khi sụp đổ - có thể thành một lỗ đen.

Dù là những thế giới cực đoan, nóng như địa ngục, nhưng rõ ràng chúng đã tạo ra vật liệu cần thiết để xây dựng nên các hệ sao như hệ Mặt Trời và càng đặc biệt hơn với các hành tinh đá như Trái Đất chúng ta.

Một đám bụi cổ xưa nào đó, có thể là của một cặp Wolf-Rayet đã chết từ lâu, đã trở thành một phần của mớ vật liệu tạo nên hệ Mặt Trời. Carbon trong đám bụi đó đã trở thành một trong những thứ cơ bản để xây dựng nên chất hữu cơ, hay cao cấp hơn là sự sống.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nasa-phat-hien-hat-mam-su-song-sinh-ra-tu-2-tu-than-196250116111416664.htm