Nắng nóng sẽ còn kéo dài sang đầu tháng 6 tại Bắc Bộ
Đợt nắng nóng tại Bắc Bộ có thể kéo dài tới ngày 1-2/6 và ngày 2-3/6 ở Trung Bộ. Từ ngày 2-8/6, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội giảm xuống dưới mức nắng nóng, phổ biến 32-35 độ.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, nắng nóng ở Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến những ngày đầu tháng 6/2023 và chỉ còn xảy ra cục bộ ở Bắc Bộ trong các ngày
Với khu vực từ Thanh Hóa tới Thừa Thiên Huế, nắng nóng diện rộng, cục bộ có nơi nắng nóng gay gắt có thể kéo dài sang ngày 2-3/6 và chỉ còn cục bộ trong ngày 4-6/6.
Từ ngày 2-8/6, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội giảm xuống dưới mức nắng nóng, phổ biến 32-35 độ. Khả năng xảy ra mưa rào và giông trong ngày của giai đoạn này cũng cao hơn đáng kể so với giai đoạn 3 ngày tới.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay: "Đợt nắng nóng này có thể kéo dài tới ngày 1-2/6 ở Bắc Bộ và ngày 2-3/6 ở Trung Bộ.
Tuy nhiên, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa".
Từ ngày 30/5-7/6, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to (mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Cảnh báo nguy cơ đột quỵ do nắng nóng
Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt. Nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ.
Trao đổi với báo chí, TS. BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy khi biểu đồ nhiệt độ tăng thêm 1 độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng đến 10%.
Cùng đó, sốc nhiệt do nắng nóng cũng thường gặp nhất trong những ngày Hè. Cả hai tình trạng này đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý và cấp cứu kịp thời.
Theo BS Đức, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt và đột quỵ khi thời tiết nắng nóng là trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mạn tính (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường…), người làm việc, vận động lâu dưới nắng nóng, người tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao, người có lối sống thiếu khoa học (hút thuốc, uống nhiều rượu bia, béo phì…).
Ngoài ra, những người đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, thuốc điều trị cao huyết áp… cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ cao hơn người bình thường.
Cũng theo khuyến cáo của chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay cần chú ý đến điều kiện tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất thường từ 12 giờ đến 16 giờ, nên chọn sau thời điểm này, nhiệt độ dịu hơn. Bởi trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ có nguy cơ gây ra đột quỵ hoặc sốc nhiệt.
Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài thì cố gắng mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.
TS.BS Đào Việt Phương - Phó giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng tăng lên.
"Đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn"- TS.BS. Đào Việt Phương nhấn mạnh.