Năng lực tài chính phải lớn và 'sạch' mới được cấp phép khai thác khoáng sản

Những doanh nghiệp đủ điều kiện cấp phép triển khai dự án khai thác khoáng sản phải có năng lực tài chính lớn và phải 'sạch', tức là đòn bẩy thấp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 và đang gửi lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định có đề cập đến các điều kiện phải đáp ứng khi tổ chức, cá nhân muốn được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Theo đó, tổ chức, cá nhân được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản, gồm cả trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 65 của Luật Địa chất và khoáng sản khi đáp ứng đủ các điều kiện:

Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn để khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại Điều 148 của Nghị định này hoặc trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa khai thác khoáng sản; Có đủ điều kiện hành nghề khai thác khoáng sản, theo quy định của Nghị định này; Có hồ sơ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 62 của Nghị định này, đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện với giá trị không nhỏ hơn % tổng vốn của dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Đã nộp đủ hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Trong quy định về năng lực tài chính, Dự thảo Nghị định nêu rõ quy định về đòn bẩy tài chính, nợ trên vốn chủ hữu; thuế và chi phí; các chỉ số báo cáo tài chính, quy định vốn chủ sở hữu đầu tư dự án. Dự thảo đã cụ thể hóa hơn các điều kiện để cấp phép cho dự án khai khoáng. Những doanh nghiệp đủ điều kiện cấp phép triển khai dự án khai thác khoáng sản phải thực sự là những doanh nghiệp có năng lực tài chính. Năng lực tài chính phải lớn và phải "sạch", tức là đòn bẩy thấp. Thông thường, các doanh nghiệp khai khoáng có mức rủi ro đòn bẩy khá cao, do đó, nếu doanh nghiệp có mức rủi ro đòn bẩy càng thấp thì khả năng được cấp giấy phép càng cao.

Việc xây dựng và hoàn thiện các quy định chi tiết trong Dự thảo Nghị định về cấp giấy phép khai thác khoáng sản là một bước quan trọng nhằm triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, các quy định này không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch trong việc cấp phép khai thác mà còn đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản được thực hiện một cách bền vững và bảo vệ môi trường;

Yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tài chính, hồ sơ pháp lý và cam kết bảo vệ môi trường sẽ góp phần hạn chế những rủi ro, đồng thời tạo ra một môi trường khai thác khoáng sản an toàn và hiệu quả.

Nếu những quy định này được thông qua, những doanh nghiệp đã từng triển khai dự án, năng lực tài chính tốt thì khả năng trúng thầu dự án, được cấp giấy phép cao. Đồng nghĩa doanh nghiệp nhỏ năng lực tài chính kém sẽ gặp khó khăn hơn.

Tuy nhiên, mặt khác các chi phí tuân thủ sẽ bị tăng lên. Trong chi phí tuân thủ có chi phí về cấp giấy phép khai thác, chi phí quyền khai thác, chi phí các hồ sơ đấu thầu... Tất cả chi phí tuân thủ tăng lên sẽ khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nang-luc-tai-chinh-phai-lon-va-sach-moi-duoc-cap-phep-khai-thac-khoang-san-96775.html