Nâng hạng thị trường chứng khoán: Đích đến rất gần

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đang đến rất gần. Nếu thành công, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng giúp thu hút dòng vốn quốc tế, nâng cao vị thế tài chính của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu. Liệu năm 2025 có phải là thời điểm vàng?

Việt Nam đang có một nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc giúp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán. Trong năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, lạm phát kiểm soát ở mức 3,66%, đạt mục tiêu của Quốc hội. Đồng thời, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, hỗ trợ nền kinh tế ổn định. Những điều kiện này giúp Việt Nam tạo dựng niềm tin với các nhà đầu tư và các tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), nền kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển tương đối ổn định, phản ánh qua những chỉ số tăng trưởng tích cực, nhưng thị trường chứng khoán vẫn cần thêm những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ hơn để có thể đạt được sự bứt phá rõ rệt.

Mặc dù nền kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán vẫn chưa phản ánh đầy đủ sự khởi sắc này. Tuy nhiên, một số chỉ số quan trọng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể: Trong năm 2024, VN-Index tăng 12%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 19,3%, đạt 69,3% GDP; thanh khoản thị trường đạt hơn 21.000 tỷ đồng/phiên, tăng 20,4% so với năm 2023; số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt hơn 9,3 triệu vào cuối năm 2024, tăng 27,5% so với năm trước đó. Chỉ trong hơn một tháng đầu năm 2025, số tài khoản nhà đầu tư mở mới đạt trên 110.000. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ với tổng giá trị phát hành tăng 438.531 tỷ đồng, tương đương mức tăng 32%.

Theo bà Bình, những số liệu này cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp những biến động toàn cầu.

Tuy nhiên, một thách thức lớn là khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Trong năm 2024, tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 90.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm trước. Dù vậy, số lượng chứng khoán và giá trị danh mục họ nắm giữ vẫn tăng, đạt hơn 323.531 tỷ đồng vào cuối năm 2024, phản ánh niềm tin dài hạn vào thị trường Việt Nam.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đang đến rất gần

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đang đến rất gần

Theo bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), đến thời điểm hiện tại, về cơ bản Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell. Đây là tín hiệu vô cùng tích cực, khi mà thị trường đang kỳ vọng vào một đánh giá khả quan ngay trong kỳ review tháng 3, tạo tiền đề để FTSE Russell chính thức nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025.

Bà Bình nhận định, mặc dù xu hướng bán ròng của khối ngoại gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn, nhưng nếu xét về tổng giá trị danh mục đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể tại thị trường Việt Nam, cho thấy họ không hoàn toàn rút lui mà chỉ cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng, hàng loạt chính sách quan trọng đã được triển khai. Thông tư 68 đưa vào áp dụng cơ chế “non-prefunding” giúp nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh mua chứng khoán mà không cần có tiền sẵn tại thời điểm giao dịch. Sau 3 tháng áp dụng, hơn 1.200 nhà đầu tư tổ chức đã đăng ký sử dụng, chiếm 11,16% tổng giá trị giao dịch của khối ngoại. Hệ thống công nghệ thông tin KRX dự kiến đưa vào vận hành năm 2025 giúp phát triển các sản phẩm tài chính mới và nâng cao thanh khoản thị trường. Cùng với đó, Luật Chứng khoán và Nghị định 155 được sửa đổi, cung cấp khung pháp lý thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp chất lượng cao niêm yết trên thị trường.

Cũng theo bà Bình, VSDC đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hệ thống thanh toán và lưu ký nhằm đáp ứng yêu cầu từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Việc nâng cấp cổng giao tiếp điện tử giúp hỗ trợ các công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký trao đổi thông tin nhanh chóng, minh bạch hơn. Đồng thời, dịch vụ lưu ký quỹ đầu tư được phát triển nhằm thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Cơ chế thanh toán CCP cũng đang được triển khai, hướng tới việc tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức, giảm sự phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, VSDC đang cải tiến quy trình xác nhận lệnh, giúp các giao dịch diễn ra an toàn và nhanh chóng hơn.

Bà Bình cho rằng, với những thay đổi tích cực về cơ chế thanh toán và dịch vụ lưu ký, các rào cản về giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam.

Việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không chỉ giúp Việt Nam thu hút thêm dòng vốn hàng chục tỷ USD mà còn tạo ra một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của nền tài chính quốc gia. Khi được nâng hạng, Việt Nam sẽ nằm trong danh sách các thị trường được quỹ đầu tư toàn cầu phân bổ vốn một cách tự động, từ đó gia tăng thanh khoản và tạo ra cơ hội phát triển dài hạn cho doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, nâng hạng còn giúp nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp của thị trường, từ đó thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức đầu tư lớn. Đây không chỉ là mục tiêu của riêng thị trường chứng khoán mà còn là động lực để nền kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong khu vực và thế giới.

Với những bước tiến vững chắc từ nền kinh tế vĩ mô, các cải cách chính sách quan trọng và nỗ lực từ các tổ chức vận hành thị trường, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nếu tận dụng tốt những cơ hội này, năm 2025 có thể sẽ là năm đột phá, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-dich-den-rat-gan-160681.html