Nâng cấp kinh tế thị trường và những ngành hưởng lợi

Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam có thể tránh bớt những cuộc điều tra và biện pháp phòng vệ thương mại, nếu bị cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại. Vậy những ngành nào có thể hưởng lợi từ cơ hội này?

Hàng loạt cổ phiếu trong nhóm thủy sản đã có một phiên giao dịch đầy sôi động với cả giá và khối lượng đều tăng mạnh. Ảnh: T.L

Hàng loạt cổ phiếu trong nhóm thủy sản đã có một phiên giao dịch đầy sôi động với cả giá và khối lượng đều tăng mạnh. Ảnh: T.L

Cổ phiếu thủy sản hưởng ứng tức thời

Thứ Năm tuần trước (9-5-2024), cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn có lúc tăng kịch trần trước khi khép phiên tăng 2,1%, với khối lượng giao dịch cũng tăng vọt lên hơn 4,4 triệu cổ phiếu, gấp bốn lần so với phiên trước đó và là mức cao nhất kể từ phiên ngày 30-8-2021. Tương tự, cổ phiếu MPC của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tăng gần 3,7%, với khối lượng giao dịch tăng gấp 4,5 lần; còn cổ phiếu FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta tăng 3,5%, với khối lượng giao dịch tăng gấp 2,2 lần so với phiên trước đó.

Hàng loạt cổ phiếu trong nhóm thủy sản như ANV của CTCP Nam Việt, ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang, IDI của CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia, CMX của CTCP Camimex Group… đã có một phiên giao dịch đầy sôi động với cả giá và khối lượng đều tăng mạnh, đặc biệt là trong những giây phút đầu phiên. Thông tin Mỹ đang cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế “kinh tế thị trường” vào ngày 26-7 tới là một trong những lý do thúc đẩy dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu thủy sản.

Hiện tại, Mỹ xem Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và chín nước khác là những nền kinh tế phi thị trường, do đó là đối tượng của thuế chống bán phá giá ở mức cao. Thống kê cho thấy năm 2020 có 39 vụ hàng hóa Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại quốc tế. Đến hết tháng 4-2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 249 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, Mỹ – đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là nước tiến hành khởi xướng các vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Các mặt hàng bị điều tra đa dạng từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, điển hình như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, cá basa, máy xịt rửa áp lực cao, cho đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong…

Đơn cử như ở mặt hàng tôm, trong năm nay Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đã gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, nhưng thuế đối với tôm từ Thái Lan – một nền kinh tế thị trường – chỉ ở mức 5,34%.

Theo đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nếu được nâng hạng lên thành nền kinh tế thị trường, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng lợi đầu tiên, trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ được hưởng lợi lớn. Chính vì vậy mà hiện các nhà sản xuất thép, người dân nuôi tôm ở duyên hải vịnh Mexico và người dân nuôi mật ong ở Mỹ phản đối việc nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường, vì lo ngại điều này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam, qua đó tăng khả năng cạnh tranh với chính các mặt hàng nội địa của Mỹ.

Kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 4-2024 đạt được 285 triệu đô la Mỹ, nâng mức lũy kế bốn tháng đầu năm nay lên 971 triệu đô la, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra bốn tháng đầu năm nay đạt 579 triệu đô la, tăng gần 2%; còn xuất khẩu cá ngừ đạt 301 triệu đô la, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc và Mỹ vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Và những lợi ích

Như vậy, sau tám tháng Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đang đứng trước cơ hội được công nhận là nền kinh tế thị trường. Hiện nhiều hiệp hội, tập đoàn bán lẻ của Mỹ, các doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ việc Mỹ nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường, khi “Việt Nam đã nổi lên như một đối tác chuỗi cung ứng ổn định, an toàn của Mỹ, mang lại lợi ích cuối cùng cho nền kinh tế Mỹ”, theo lời ông Scott Thompson, Giám đốc chính sách công của Samsung Electronics chi nhánh Mỹ. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhiều lần nhắc tới Việt Nam như một điểm đến của chiến lược đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện (friend shoring).

Đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam – luật sư Eric Emerson từ Công ty Luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ) – khẳng định rằng Việt Nam đã đáp ứng sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá liệu một quốc gia có nền kinh tế định hướng thị trường hay không, nên việc nâng cấp lên kinh tế thị trường là phù hợp.

Sáu tiêu chí bao gồm: mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam thời gian qua đã tự chủ được nguồn nguyên liệu, không ngừng nâng cấp và tăng khả năng cạnh tranh, thâm nhập thành công vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật, tuy nhiên cũng vì vậy mà vô hình trung lại trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước muốn hạn chế nhập khẩu. Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam có thể tránh bớt những cuộc điều tra và biện pháp phòng vệ thương mại như vậy, nếu bị thì cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại.

Theo đó, không chỉ ngành thủy sản, một số ngành khác cũng có thể hưởng lợi lớn trong thời gian tới nếu quy chế này được thông qua ngay trong tháng 7 tới. Đầu tiên là những ngành, doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ chốt vào Mỹ, trong đó phải kể đến ngành dệt may.

Thực tế, nhiều cổ phiếu dệt may như cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng; cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công; cổ phiếu phiếu NDT của Tổng CTCP Dệt may Nam Định cũng tăng vọt trong hai ngày 8 và 9-5.

Không chỉ mở rộng thương mại với Mỹ khi các các rào cản thương mại được giảm bớt, các hoạt động đầu tư giữa hai nước cũng có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, giới phân tích cho rằng với vai trò và tầm ảnh hưởng rộng lớn của Mỹ, khi Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam sẽ giúp tạo ra cách nhìn mới về Việt Nam trong mắt của các tổ chức quốc tế cũng như các đối tác tiềm năng của Việt Nam. Từ đó, tạo thêm nhiều cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Những ngành như bất động sản khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngành tiện ích, vận tải, kho bãi, công nghệ thông tin… cũng đứng trước vận hội mới đầy hấp dẫn.

Triêu Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nang-cap-kinh-te-thi-truong-va-nhung-nganh-huong-loi/