Nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp tín dụng
Ngày 18/7, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tòa án nhân dân tối cao phối hợp tổ chức Hội thảo 'Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân'.

Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết: Thời gian vừa qua, hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và công tác xử lý nợ xấu nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nợ xấu được xử lý hiệu quả, thực chất hơn, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng.
“Có được kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nỗ lực, tích cực từ các tổ chức tín dụng, còn có sự đóng góp rất lớn của ngành Tòa án trong công tác xét xử, giải quyết tranh chấp liên quan đến tổ chức tín dụng”, ông Phạm Toàn Vượng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phạm Toàn Vượng, năm 2019, Việt Nam đã phối hợp Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức Hội thảo “Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân”. Hội thảo đã thành công tốt đẹp, tạo điều kiện cho các ngân hàng có cơ hội được trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án, từ đó có cái nhìn toàn diện và sâu hơn về hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, kinh tế-xã hội nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng có nhiều thay đổi, hoạt động của các tổ chức tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô ngày càng được mở rộng, do đó, các vụ án tranh chấp cũng không ngừng gia tăng.

Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các tổ chức tín dụng liên quan đến quá trình giải quyết các vụ án tại Tòa án phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập như: Thời gian giải quyết vụ án, quá trình thụ lý đơn khởi kiện còn chậm trễ (Agribank, Vietcombank, TPBank, SHB, HDBank); một số vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản là quyền sử dụng đất đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, nhưng tổ chức tín dụng không nhận được thông báo của Tòa án về tham gia tố tụng trong vụ án; hay những vướng mắc về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình; tranh chấp về tài sản bảo đảm của hộ gia đình sử dụng đất, tài sản đã được giao dịch hợp pháp với tổ chức tín dụng (bên thứ ba ngay tình) nhưng vẫn bị tuyên vô hiệu, hủy bỏ…
“Trong các vướng mắc nêu trên, có nguyên nhân xuất phát từ tổ chức tín dụng, có nguyên nhân do quan điểm về áp dụng quy định của pháp luật, về cách đánh giá chứng cứ của những người tiến hành tố tụng. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất về các tình huống nêu trên để Tòa án các cấp áp dụng giải quyết các tình huống thực tiễn phát sinh”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu rõ.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Vũ Ngọc Lan cũng chỉ ra các nhóm vấn đề pháp lý nổi bật cần tháo gỡ: về việc xác định lãi suất cho vay khi xử lý tài sản cầm cố là các sổ tiết kiệm trong hoạt động cho vay, cầm cố của tổ chức tín dụng đối với khách hàng; về việc áp dụng cách tính lãi suất theo thỏa thuận cho vay của tổ chức tín dụng; về việc Tòa án nhân dân không ghi nhận việc tính lãi, lãi suất cho ngân hàng sau thời điểm khởi tố vụ án hình sự.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Vũ Ngọc Lan.
Đáng chú ý, với quy định “người thứ ba ngay tình”, bà Vũ Ngọc Lan cho biết: nhiều tổ chức tín dụng mất quyền bảo đảm do giao dịch thế chấp bị vô hiệu vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị hủy hoặc có giả mạo. Trong khi các ngân hàng thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định và không có lỗi, họ vẫn bị rủi ro pháp lý lớn. Các ngân hàng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn bổ sung, bảo đảm quyền xử lý tài sản nếu giao dịch hợp pháp. “Thời gian tới Tòa án cần xem xét có hướng dẫn bổ sung trong việc tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm) có quyền được xử lý tài sản bảo đảm đó sau khi Tòa án tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi tổ chức tín dụng nhận bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”, đại diện Ngân hàng Nhà nước kiến nghị.
Chia sẻ thêm về vướng mắc liên quan đến “người thứ ba ngay tình”, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cho hay: một trong những vướng mắc lớn liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án là khái niệm pháp lý về “người thứ ba ngay tình” tương đối phức tạp, còn nhiều quan điểm về cách hiểu, áp dụng, vận dụng khác nhau trong thực tiễn xử lý tranh chấp.
Đơn cử, tại Công văn số 207/TANDTC-PC Tòa án nhân dân tối cao khẳng định: "Khi có căn cứ xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị kiện rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án phải tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó" nhưng không tiếp tục đưa ra quan điểm để giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng.
Hay Công văn số 02/2021/TANDTC-PC Hướng dẫn: "Ngân hàng không phải là người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và mục 1 Phần II của Công văn số 64/TANDTC-PC, do vậy, hợp đồng thế chấp tài sản cũng vô hiệu." Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 129 BLDS 2015 xác định giao dịch chuyển nhượng Nhà đất của Bên thế chấp cho bên thứ ba là có hiệu lực, Ngân hàng không phải người thứ ba ngay tình và tuyên Hợp đồng thế chấp là vô hiệu…

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Tại Hội thảo, một số đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng cũng kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật rõ ràng, đẩy mạnh tập huấn thẩm phán, đồng thời tạo cơ chế trao đổi liên ngành với Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án và Hiệp hội ngân hàng để rút ngắn thời gian xét xử và thi hành. Các tổ chức tín dụng cũng đề xuất Tòa án cho phép tổ chức tín dụng kê biên, phát mại khi bản án có hiệu lực; ban hành quy định xử lý khi đương sự không hợp tác; áp dụng thủ tục rút gọn với tranh chấp đáp ứng tiêu chí; xây dựng cơ sở dữ liệu tài sản tranh chấp; và hướng dẫn thống nhất về xử lý vật chứng trong án hình sự, để tài sản hợp pháp sớm được trả cho ngân hàng.
Nhận định tranh chấp tín dụng là hết sức phức tạp, không chỉ về nợ mà còn liên quan tài sản chung, thừa kế, và nhiều quan hệ pháp luật khác, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cũng nêu rõ: vấn đề cốt lõi của các vụ việc tranh chấp tín dụng thường nằm ở tài sản bảo đảm, đòi hỏi xử lý chính xác để giảm rủi ro. Ông Nguyễn Văn Tiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký kết trong thực tế hợp đồng tín dụng ba bên: người vay, bên bảo đảm và ngân hàng, cần minh bạch và tuân thủ quy định chặt chẽ.
Đặc biệt, nhằm tháo gỡ khó khăn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các tổ chức tín dụng, đồng thời bảo vệ sự minh bạch, ổn định của hệ thống tài chính, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngân hàng, tòa án và các cơ quan liên quan.