Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc

Chiều 3-4, đoàn giám sát do Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) Điểu Điều làm trưởng đoàn, đã giám sát tại Sở Dân tộc và Tôn giáo về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, Ban Dân tộc (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo) đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời công tác dân tộc; tham mưu đôn đốc, phối hợp tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn được đồng bộ, thống nhất, đạt hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đẩy nhanh công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Đoàn giám sát tại Sở Dân tộc và Tôn giáo

Đoàn giám sát tại Sở Dân tộc và Tôn giáo

Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) Điểu Điều phát biểu tại buổi giám sát

Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) Điểu Điều phát biểu tại buổi giám sát

Từ năm 2023 đến nay, sở đã tham mưu 3.400 văn bản các loại triển khai, tổ chức, phối hợp thực hiện công tác dân tộc và liên quan đến các chương trình, đề án, dự án của tỉnh, ngành liên quan đến chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ở giai đoạn I (từ 2021-2025), tỉnh đã triển khai đồng bộ 10 dự án thành phần, bao gồm 12 tiểu dự án và 30 nội dung. Tổng kế hoạch nguồn vốn đã phân bổ thực hiện chương trình đến năm 2024 hơn 849,7 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 18,7 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 20-3-2025 hơn 651,3 tỷ đồng (đạt 76,6%), vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 18,7 tỷ đồng (đạt 100%).

Các đại biểu trao đổi, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về công tác dân tộc

Các đại biểu trao đổi, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về công tác dân tộc

Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách đặc thù riêng của địa phương như: Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS năm 2023; chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo; chính sách đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu vùng DTTS; chính sách ưu đãi đối với các trường chuyên và trường phổ thông dân tộc nội trú...

Bình Phước hiện có 1.647 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, trong đó có 55 người là lãnh đạo, quản lý các cấp. Cán bộ, công chức, viên chức nữ có 1.162 người, chiếm 70,55%. Cấp tỉnh có 247 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, trong đó có 16 người là lãnh đạo, quản lý. Cấp huyện có 1.179 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, trong đó có 11 người là lãnh đạo, quản lý. Cấp xã có 203 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, trong đó có 28 người là lãnh đạo, quản lý...

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Dân tộc Điểu Điều đề nghị Sở Dân tộc và Tôn giáo tiếp thu các ý kiến tại buổi giám sát, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung lại nội dung báo cáo, trong đó điều chỉnh số liệu cho phù hợp, nêu rõ khó khăn, tồn tại, hạn chế cả với chủ thể quản lý và đối tượng quản lý; nêu cụ thể nguyên nhân khó khăn, giải pháp và kiến nghị. Trưởng Ban Dân tộc Điểu Điều cũng đề nghị Sở Nội vụ bổ sung phần giải pháp và một số nội dung khác vào báo cáo của đơn vị, hoàn thiện và gửi về đoàn để thực hiện các phần việc tiếp theo...

Ngọc Huyền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171093/nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-cong-tac-dan-toc