Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Sóc Trăng đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao dân trí và từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Đưa chính sách vào cuộc sống

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tích cực thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan công tác này. Cụ thể như: Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn học tiếng Bahnar, tiếng Chăm, tiếng Êđê, tiếng Jrai, tiếng Khmer, tiếng Mông, tiếng Mnông, tiếng Thái.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ giáo dục dân tộc. Trọng tâm là các nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, ưu tiên nguồn kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất trường học, cung cấp trang thiết bị dạy học nhằm phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung của quốc gia; triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục để đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Giờ học của cô và trò Trường Mẫu giáo Long Phú, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Giờ học của cô và trò Trường Mẫu giáo Long Phú, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Theo đồng chí Danh Hoàng Nguyên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, chính sách đầu tư về cơ sở vật chất được triển khai, hệ thống trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 5/10 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 50%, phấn đấu đến năm 2025 có 10/10 trường đạt chuẩn quốc gia. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh vùng dân tộc thiểu số được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Học sinh được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đến trường học tập, tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông toàn tỉnh được học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú chiếm tỷ lệ 11,76%; học sinh khá giỏi đạt tỷ lệ trên 80%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở các trường phổ thông dân tộc nội trú trong nhiều năm liền đạt 100% và tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào học đại học, cao đẳng trên 70% tổng số học sinh dân tộc Khmer học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Thực hiện Quyết định số 1169/QĐHC-CTUBND, ngày 22/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc dạy học tiếng Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đến nay toàn tỉnh có 11/11 huyện, thị xã, thành phố dạy tiếng Khmer. Ngoài ra, còn có 85/93 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tham gia giảng dạy ngôn ngữ này cho người dân và các em học sinh đang sinh sống trên địa bàn trong 2 tháng nghỉ hè hằng năm. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cũng tổ chức giảng dạy, thi tốt nghiệp Pali Sơ cấp (Pali Roong), kiểm tra công nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho các tăng sinh. Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ vừa dạy tiếng Khmer, vừa dạy tiếng Pali cho các tăng sinh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện tốt công tác giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ rất quan trọng, ngành Giáo dục của tỉnh không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào Khmer. Theo đồng chí Danh Hoàng Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học và đầu tư cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới, tổ chức lại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Các em học sinh là người dân tộc Khmer ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) trong ngày khai giảng năm học mới.

Các em học sinh là người dân tộc Khmer ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) trong ngày khai giảng năm học mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định vùng tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn theo đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai thực hiện dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của địa phương.

Nhiều chính sách đầu tư chăm lo phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số đã tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương.

HẢI HÀ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-dao-tao/202410/nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-ong-bao-dan-toc-thieu-so-5d85196/