Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Những năm qua, các ngành chức năng và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo có đủ kỹ năng, năng lực bắt kịp với sự đổi mới của công nghệ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo nên đội ngũ lao động giỏi kỹ năng, vững tay nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Chủ động nâng cao kiến thức
Mỗi năm, Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh tuyển sinh đào tạo khoảng 400 học sinh hệ trung cấp. Toàn trường có 31 cán bộ, giáo viên (GV) tham gia giảng dạy với 9 ngành, nghề đào tạo. Hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, GV nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo. Đến nay, hầu hết GV có các văn bằng, chứng chỉ về đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề quốc gia phù hợp với quy chuẩn.

Giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang hướng dẫn thực hành nghề cho học sinh, sinh viên
Thầy Trần Đức Anh - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, GV bộ môn Điện công nghiệp, Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh cho biết: “Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật buộc chúng tôi phải chủ động cập nhật những kiến thức mới để truyền dạy cho người học. Thời gian qua, nhà trường và ngành chức năng luôn tạo điều kiện mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho GV. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của trường ngày càng được nâng cao, có hơn 95% học sinh sau khi ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng”.
Tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, 100% đội ngũ cán bộ, nhà giáo đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, trong đó 3 người có học vị tiến sĩ, 75 thạc sĩ, còn lại có trình độ đại học. Theo ông Nguyễn Văn Lực - Hiệu trưởng nhà trường, trường là cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy mô lớn với 19 nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 20 nghề đào tạo trình độ trung cấp và 37 nghề đào tạo trình độ sơ cấp. Trong đó, nhà trường được đầu tư 7 nghề trọng điểm, gồm: 4 nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, 2 nghề theo tiêu chuẩn ASEAN và 1 nghề theo tiêu chuẩn quốc gia. Mỗi năm, nhà trường tuyển sinh đào tạo hơn 3.000 học sinh, sinh viên. Do đó, việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, GV luôn được nhà trường chú trọng. Hàng năm, nhà trường cử nhiều cán bộ, GV đi học tập nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các nước: Anh, Đức, Australia, Malaysia…; tổ chức các hội thi chuyên môn, hội thi nhà giáo dạy giỏi các cấp. Qua đó, trường đánh giá thực trạng đội ngũ GV để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường còn đầu tư, hỗ trợ nhà giáo nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến và đã gặt hái được nhiều thành tích cao tại các hội thi cấp quốc gia…
Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng
Hiện nay, toàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trong đó có 3 trường cao đẳng và 8 trường trung cấp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với tổng số 361 nhà giáo. Hàng năm, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho các nhà giáo nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Một số trường còn mở rộng liên kết với các trường trong và ngoài nước để cử nhà giáo tham gia học tập kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề cũng thường xuyên cử giáo viên trực tiếp đến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để tham gia đào tạo, giúp giáo viên tiếp nhận thêm nhiều kiến thức, cập nhật khoa học công nghệ, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp và thực tiễn sản xuất để ứng dụng, biên soạn giáo trình và truyền dạy cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn hỗ trợ, cử 113 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng thi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; 81 nhà giáo tham gia đào tạo, bồi dưỡng, thi chứng chỉ ngoại ngữ B1. Ngoài ra, có hàng trăm lượt nhà giáo ở các trường trung cấp nghề được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, sư phạm theo phương pháp giảng dạy tiên tiến; kỹ năng xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy; kiến thức về công tác xã hội...
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sở đã và đang triển khai nhiều giải pháp về công tác đào tạo nghề. Trong đó, các trường nghề đã và đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, nhất là kỹ năng nghề, kiến thức mới về nghề, năng lực tin học, ngoại ngữ; xây dựng đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn để tham gia đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo chuẩn quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế…
Năm 2022, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 29.550 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 1.871 người, trung cấp 3.554 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 24.125 người; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 82%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27,6%. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề cho 30.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 83%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,8%.
VĂN GIANG