NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Bảo đảm quyền lợi người đi xuất khẩu lao động

Nhật Bản là quốc gia tiếp nhận nhiều người Việt Nam sang làm việc, do đó rất cần các chính sách để bảo vệ quyền lợi của lao động xuất khẩu

Để bù đắp thiếu hụt lao động khi tỉ lệ sinh giảm, dân số già đi, những năm gần đây Nhật Bản đã mở rộng quy định đối với lao động nhập cư đến làm việc và sinh sống lâu dài. Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ) nước nhà, nhất là khi 2 nước có quan hệ đối tác chiến lược.

Lao động nước ngoài chịu nhiều thiệt thòi

Theo luật pháp hiện hành, Nhật Bản có 27 loại tư cách lưu trú, trong đó có 14 loại cho phép với mục đích lao động. Nhưng nếu NLĐ nhập cư tiếp tục ở lại Nhật Bản sau khi hết thời hạn hợp đồng và tham gia lao động không được phép (lưu trú và làm việc bất hợp pháp) có thể bị trục xuất hoặc bị truy tố.

Dù mức lương cao hơn ở một số nước tiếp nhận lao động nước ngoài, nhưng điều kiện làm việc của lao động nhập cư ở Nhật Bản rất khắc nghiệt. Nếu phải làm việc nhiều giờ trong môi trường không được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn lao động, điều này có thể bị xem là vi phạm quyền lợi của lao động làm việc tại nước ngoài.

Tại Nhật Bản, nhiều NLĐ có quốc tịch nước ngoài phải làm việc trong những ngành thiếu nhân lực, lương thấp, điều kiện làm việc khắc nghiệt, dễ xảy ra tai nạn nên khó thu hút được lao động sở tại, họ phải sử dụng lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: GIANG NAM

Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: GIANG NAM

Như ngành xây dựng có môi trường làm việc khắc nghiệt nhất Nhật Bản và cũng là một trong những ngành sử dụng số lượng lao động nhập cư lớn nhất. Tại Nhật Bản, thỉnh thoảng xảy ra vi phạm tiền lương đối với NLĐ nhập cư, dẫn đến họ bỏ việc và ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Theo kết quả khảo sát của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản, khoảng 44% trường hợp NLĐ nước ngoài bỏ việc vào năm 2020 do các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vi phạm mức lương tối thiểu, bị khấu trừ lương quá mức, thay đổi công việc theo hợp đồng lao động không được trả thêm lương làm ngoài giờ... cũng khiến lao động nhập cư ra ngoài làm việc.

Hơn nữa, trình độ tiếng Nhật hạn chế dẫn đến kỹ năng giao tiếp kém cũng góp phần gây ra tình trạng vi phạm tiền lương và nhiều vi phạm quyền lợi khác của người nhập cư tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, môi trường làm việc của Nhật Bản khác với môi trường quốc tế, theo truyền thống, nhiều DN chú trọng đến thâm niên của nhân viên, trong khi những người nhập cư có tay nghề cao muốn dựa vào thành tích để được thăng chức, tăng lương lại rất khó khăn.

Cần có cơ chế hỗ trợ từ xa

Nhằm bảo đảm quyền lợi của người Việt Nam đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản, theo tôi, chúng ta cần hoàn thiện và quản lý chặt chẽ các quy định về XLKĐ. Trong đó, phải có báo cáo chi tiết về danh tính và thời gian làm việc ở nước ngoài của NLĐ, các trường hợp bị bỏ rơi, bị cho thôi việc bất hợp lý.

Nghĩa vụ của người đi XKLĐ là phải khai báo các thông tin về việc làm ở nước ngoài nói chung, Nhật Bản nói riêng để cung cấp dữ liệu cho báo cáo. Nếu NLĐ cố tình không khai báo thì có hình phạt kịp thời và nghiêm khắc. Chỉ khi có số liệu thống kê chính xác thì chúng ta mới ghi nhận được con số cụ thể về lao động nhập cư và du học sinh đang làm việc tại Nhật Bản.

Để ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến quyền lợi của NLĐ Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, các cơ quan quản lý, DN liên quan cần có cơ chế hỗ trợ từ xa, thông qua đại sứ quán hoặc các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Hiện rất ít DN XKLĐ có kế hoạch thông tin về pháp luật, văn hóa DN... cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đây được xem là lỗ hổng lớn, bởi nếu NLĐ không hiểu rõ sẽ dễ gặp rủi ro tại quốc gia nơi họ làm việc.

Vì vậy, cơ quan đại diện ngoại giao và tổng lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài cần cải thiện khả năng tiếp cận và hỗ trợ cho NLĐ làm việc tại Nhật Bản, nhất là giải quyết kịp thời các vấn đề và tranh chấp với người sử dụng lao động; các cơ quan dịch vụ việc làm và cơ quan bảo hộ dân sự, pháp luật ở nước ngoài chủ động tìm kiếm người Việt Nam nhập cư tại Nhật Bản, thay vì thụ động chờ đợi những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động di cư và thực hiện các hoạt động đăng ký người Việt Nam ở nước ngoài. Thực tế, cơ sở dữ liệu về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không được cập nhật thường xuyên, có trường hợp cơ quan, DN không nộp báo cáo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Lãnh sự, từ đó dẫn đến không có cơ sở dữ liệu thống nhất. Ngay cả khi có cơ sở dữ liệu chính xác về lao động di cư và đăng ký quốc tịch ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể biết được có bao nhiêu lao động Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Chính phủ cần nhận được thông tin chi tiết về danh tính của những người Việt Nam đi XKLĐ để có biện pháp bảo vệ kịp thời nếu cần thiết. Về lâu dài, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các văn bản pháp luật quy định việc đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh những vấn đề cần thiết.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

TRẦN NGUYỄN PHƯỚC THÔNG (quận 7, TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-bao-dam-quyen-loi-nguoi-di-xuat-khau-lao-dong-196240614215016348.htm