Năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao gần 25 tỷ USD
Chiều 23/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn dự và phát biểu tại hội nghị.
Năm 2024, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục. Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng đạt 20% so với năm 2023. Công tác xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước đến nay...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xác định kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao 8%, ngành Công thương đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9-10% so với năm 2024, xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10%, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024. Trong đó, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) 82.097 MW, tăng khoảng 6,2% so với năm 2024....
Tại hội nghị, Bộ Công thương đã triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025. Trong đó, tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó khẩn trương triển khai cụ thể Luật điện lực (sửa đổi) và các chủ trương lớn được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 (như khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận). Đồng thời, tổ chức triển khai và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực sửa đổi; hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9; trình Quốc hội dự thảo Luật phát triển Công nghiệp trọng điểm, Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong năm 2025. Chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất.
Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2025; chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.
Về công tác tổ chức cán bộ, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ tập trung triển khai nghiêm chủ trương của Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, rà soát, sắp xếp, tinh giản bộ máy, đề xuất với Ban chỉ đạo Trung ương tinh giản tới gần 18% số đầu mối đơn vị trực thuộc Bộ, cao hơn mức tối thiểu Trung ương giao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp. Trong đó, đòi hỏi ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này.
Theo đó, ngành Công Thương cần phải tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại. Cần sớm rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, của nền sản xuất Việt Nam. Triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Không để thiếu điện là yêu cầu bắt buộc. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chỉ đạo các cơ quan Thương vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao thực hiện tốt vai trò cầu nối cho doanh nghiệp 'bám rễ' thị trường.
Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, trong thu hút đầu tư. Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước, phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước, chú trọng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng...
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Công Thương chủ động trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy và ghi nhận quyết tâm cao của Bộ khi tinh giảm gần 18%. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ triển khai khẩn trương công tác sắp xếp tổ chức sau khi được Chính phủ phê duyệt để nhanh chóng ổn định tổ chức, đảm bảo không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn tổ chức cũ.
“Hơn lúc nào hết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dẫn dắt, thúc đẩy, ngành Công Thương phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh