Nấm mối mùa đông
Sáng nay vừa lướt điện thoại, hình ảnh những tai nấm mối còn bám nguyên đất đập ngay vào mắt tôi. Người bạn trên Facebook này nhà ở cạnh điện Voi Ré, nơi còn có những lùm bụi um tùm, bởi thế, nấm mối vẫn thường xuất hiện, nhất là vào những ngày đông mưa gió bời bời.
Tuổi thơ của những đứa trẻ ở làng chúng tôi chẳng còn lạ gì với các loại nấm. Mỗi khi mưa đến, ở những cây rơm (nơi người làng tôi chất rơm thành đống để giữ rơm không bị mục qua mùa mưa), nấm rơm vẫn thường lấm tấm xuất hiện. Còn ở những gốc mãng cầu khô, lúc nào cũng rung rinh vài ba tai nấm mèo (mộc nhĩ) to như bàn tay ướt đẫm nước mưa.
Nhưng nấm mối lại khác. Vì ẩn núp dưới những tán cây rậm rạp trên động cát hay ven những bờ bụi um tùm bên con mương nước trong vắt chảy dọc đường làng, thi thoảng chúng tôi mới phát hiện. Đôi khi nấm mối chỉ độc mỗi một tai, lũ trẻ nít chúng tôi phải lùng tìm xung quanh xem còn có tai nấm nào khác nữa không. Hoặc may mắn hơn, chúng tôi có thể “săn” được cả 5 – 7 tai nấm mối lớn.
Nhớ như in một buổi chiều mùa đông cách đây đã lâu lắm rồi. Khi tôi còn là một cô bé con học lớp một. Ông X., bác hàng xóm lớn tuổi đã qua nhà tôi, bảo mạ con tôi sang nhà bác nhổ nấm mối.
Mang theo chiếc rổ tre đan đã cũ, tôi cùng mạ qua nhà bác đã phải ồ lên kinh ngạc. Không chỉ một cây, hàng trăm cây nấm mối lốm đốm, chi chít chen nhau mọc dưới tán cây sapoche rậm rạp ngay góc vườn. Có những tai nấm mối đã nứt nẻ do bung đã lâu, lại dính nước mưa. Cạnh đó, những búp nấm be bé mà người làng tôi thường gọi là nấm nứt đất đang he hé vươn lên.
Mừng rỡ, tôi xăng xái phụ mạ hái nấm. Chỉ mươi phút, mạ con tôi đã có một rổ nấm đầy ú ụ, những tai nấm còn bám lớp đất âm ẩm, chân nấm màu nâu đen dài ngoẵng, vươn ra khỏi cả cạp rổ. Chẳng tiền nong gì, tôi chỉ nghe thoang thoảng tiếng bác hàng xóm dặn vội trong mưa “chừa cho bác tô cháo là được!”.
Tối hôm ấy, cả nhà tôi đã có bữa cháo nấm mối ngon nhớ đời. Tai nấm mối mềm ngọt, chân nấm mối được gọt kỹ càng, sạch đất dai giòn sần sật. Chẳng cần chi nhiều gia vị, chỉ cần nêm tý muối, nước mắm, ớt, lá ném, vị ngon của nấm mối đã quyện hòa cùng gạo thơm, làm nên hương vị dai béo, ngọt ngào khó cưỡng.
Y như lời dặn, mạ tôi đã phần một tô cháo thật to, nóng hôi hổi cảm ơn bác hàng xóm đã cho nấm. Mạ còn chừa lại một ít nấm vì ngoài nấu cháo, nấm mối còn có thể làm nên món ngon khi chiên chung với trứng, nấu canh, làm xôi.
Với món ngon nào, nấm mối cũng là “giai nhân” của đầu lưỡi. Vị thơm ngọt tự nhiên, mùi hăng hăng đặc trưng của đất trời nơi loại nấm này luôn làm say lòng người thưởng thức.
Ngày nay, để có được bữa ngon từ nấm mối không còn dựa vào may rủi khi đi tìm nấm nữa. Thay vì phải lùng khắp các bờ bụi, đến những nơi nấm thường mọc vào năm trước (kinh nghiệm của người hái nấm đó là nấm mối sẽ mọc lại vào đúng địa điểm đã từng mọc trước đó), mỗi mùa đông đến, chỉ cần bấm lướt từ khóa nấm mối vào Facebook, người mua đã có thể dễ dàng mua hàng ký nấm. Ưng loại chi là khách hàng có ngay loại đó, từ nấm mối đã nở bung hay những búp nấm nhỏ xinh, nhọn hoắt như mũi tên.
Thế nhưng với tôi, có những thứ không thể nào mua được. Đó là những ký ức khi tôi còn là một cô bé con ở làng, lẽo đẽo theo sau mạ đi nhổ nấm bên nhà bác hàng xóm. Hay những khoảnh khắc mừng rơn khi tôi cùng lũ trẻ tìm được những cây nấm mối thật to sau cả nửa ngày trời đi lùng trên trảng cát um tùm cây lá.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nam-moi-mua-dong-135475.html