Năm học mới - niềm tin mới

Tiếng trống khai trường đã điểm, một năm học mới lại về. Sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn do tình hình dịch COVID-19 của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các em học sinh cùng những kết quả đạt được trong năm học 2019-2020 đã và đang tạo niềm tin và động lực mới để ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.

Thành công của năm học 2019-2020 đang là động lực cho cô, trò Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn) bước vào năm học mới với niềm tin và khí thế mới.

Khép lại năm học 2019-2020 - sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành giáo dục Thanh Hóa đã đạt kết quả khá toàn diện. Đội ngũ nhà giáo cơ bản ổn định về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn. Qua kiểm tra, đánh giá, tỷ lệ cán bộ, giáo viên ở các bậc học đạt chuẩn là 99,98%, trong đó trên chuẩn chiếm 76,96%. Cùng với phát triển đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được quan tâm xây dựng, từng bước quy hoạch khang trang với tỷ lệ trường, lớp học kiên cố, cao tầng đạt 87,7%. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực, toàn tỉnh có 1.525 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 72,69%. Ngành cũng đã hoàn thành 75,44% kế hoạch của UBND tỉnh về sắp xếp lại mạng lưới trường lớp. Tính đến hết năm học 2019-2020, toàn tỉnh giảm được 86 trường ở các cấp học; hoàn thành giải thể, sáp nhập 13 trường THPT theo Nghị quyết 103 của HĐND tỉnh. Đây được xem là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong năm học, chất lượng mũi nhọn tiếp tục được quan tâm và duy trì trong tốp đầu cả nước; chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên với tỷ lệ học sinh THPT xếp loại giỏi đạt 16,58% (tăng 0,67%), THCS đạt 15,19% (tăng 1,21%); học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,55%... Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng được nâng lên một bước, toàn tỉnh đã có 678 trường mầm non tổ chức ăn bán trú, đạt 99%; 100% trẻ mầm non đến trường được chăm sóc sức khỏe tốt...

Cùng với thành tích trên, năm học 2019-2020, công tác chỉ đạo thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới, ngành đã kiên quyết xử lý các vi phạm về quy chế chuyên môn, dạy thêm, học thêm, lạm thu trong trường học...; tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với nhiều thay đổi cũng được triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng. Kết thúc kỳ thi, tỷ lệ thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp đạt 97,64%; toàn tỉnh có 11.366 lượt thí sinh đạt điểm 9 trở lên ở các môn thi; 257 lượt thí sinh đạt điểm 10 ở các môn thi (xếp thứ 6 cả nước). Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song, với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các ngành, đơn vị liên quan, công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh trong các nhà trường được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và hiệu quả, bảo đảm an toàn trường học. Những kết quả này có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, ngành GD&ĐT Thanh Hóa vẫn còn hạn chế cần khắc phục, như: sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng miền; cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư nhưng nhiều nơi vẫn thiếu phòng học, thiếu phòng chức năng, thiếu sân chơi, bãi tập; đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, vừa thừa, vừa thiếu... Điều này đòi hỏi ngành GD&ĐT cần nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỹ cương nền nếp, đánh giá thực chất việc dạy và học; tiếp tục rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm về chất lượng, qua đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, các vùng miền. Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo giải quyết các vấn đề nổi cộm, như: dạy thêm, học thêm không đúng quy định, lạm thu trong các trường học và bệnh thành tích trong giáo dục. Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, toàn ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Sự vận động và phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp “trồng người”. Song, với những thành quả đạt được trong năm học 2019-2020, ngành giáo dục tỉnh nhà đã và đang tạo cho mình một tâm thế mới, sẵn sàng, vững tin bước vào năm học 2020-2021 với nhiều thành công mới. Tuy nhiên, để có sự đột phá, “gặt hái” thêm nhiều “quả ngọt”, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, cần sự quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và sự chung tay của toàn xã hội.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/nam-hoc-moi-niem-tin-moi/123921.htm