Nấc thang đến sự vĩ đại của Djokovic bị chặn đứng
Novak Djokovic tan mộng chinh phục 'Golden Slam', sau khi dừng bước ở bán kết nội dung đơn nam của Olympic Tokyo chiều 30/7.
Bao giờ Djokovic thất bại? Đó là câu hỏi người hâm mộ đặt ra từ đầu năm nay.
Nole không quan tâm. Anh vượt qua mọi trở ngại, giành 3 giải Grand Slam trong năm, gồm Australian Open, Roland Garros, Wimbledon.
Định mệnh không gọi tên Djokovic
Trong một năm Djokovic trở lại mạnh mẽ, Rafael Nadal và Roger Federer dường như hết hơi. Các tay vợt thế hệ mới Daniil Medvedev, Stefanos Tsitsipas, Matteo Berrettini vẫn còn thiếu vài chất liệu trong công thức hỗn hợp của họ để hạ Djokovic ở các trận chung kết lớn, thì việc giành HCV của Olympic giống như một cuộc hẹn hò lịch sử.
Nhưng định mệnh có những dự tính khác với Djokovic. Thành tích giành “Calendar Golden Slam”, tức thắng ở cả 4 giải Grand Slam cộng với giành HCV đánh đơn trong cùng một năm của Steffi Graf lập năm 1988 vẫn còn đứng vững, khi Nole bại trận trước Alexander Zverev tại trận bán kết ở Thế vận hội 2020.
Djokovic vượt qua những khó khăn khách quan ở 4 trận đầu tiên. Đó là sự chuyển đổi mặt sân quá nhanh trong thời gian ngắn, từ mặt đất nện sang cỏ và đến sân cứng. Mặt sân ở Tokyo không phải thứ mặt sân cứng mà các tay vợt hàng đầu ưa thích.
Đó còn là tác động của dịch Covid-19 với nhiều thủ tục phòng dịch gắt gao và sân đấu không có khán giả, những thứ nghiền nát cảm hứng của các tay vợt. Thời tiết nóng và ẩm một cách ngột ngạt ở Tokyo cũng dễ khiến VĐV khó chịu.
Điều này được thể hiện qua cuộc đoạn đối thoại giữa Medvedev với trọng tài Carlos Ramos trong trận đấu giữa tay vợt người Nga với đối thủ Fabio Fognini.
“Cậu có thể thi đấu tiếp được không?”, trọng tài hỏi.
Và Medvedev đáp: “Tôi có thể đấu hết trận được, nhưng tôi có thể chết. Nếu tôi chết, ông có phải chịu trách nhiệm không?”.
Medvedev tiết lộ thêm đã có những lúc anh cảm thấy hai mắt mình tối sầm lại khi đứng trên sân. Một dấu hiệu của cảm nắng, của việc oxy không đủ bơm lên não.
Và một kẻ thù nữa của Djokovic là thể thức thi đấu 3 set thắng 2, điều đó có nghĩa đối thủ của anh chỉ cần chơi thật hay trong 2 set đấu là có thể giành chiến thắng. Tuy nhiên, thói quen của Nole ở các giải lớn là mài mòn ý chí của các đối thủ, trước khi bẻ gãy hoàn toàn sức kháng cự.
Các tay vợt khác cũng chơi cùng điều kiện như vậy, vậy tại sao Djokovic phàn nàn? Điều này đúng.
Song, sức ép phải thắng của Djokovic lớn hơn. Một tay vợt lớn như anh sẽ có sự hứng khởi hơn các đối thủ ở trận chung kết một giải lớn.
Nhưng ở các trận đấu trước khi đến đó (chung kết - PV), việc lặp lại các công việc thường nhật trở thành điều buồn tẻ. Nó không gợi cảm hứng, đến mức trong những giải đấu gặp điều kiện thi đấu khó khăn như ở Tokyo, các tay vợt có thể tự hỏi mình: “Sao ta lại phải mắc kẹt ở đây nhỉ?”.
Buồn tẻ là kẻ thù lớn nhất có thể giết chết các cảm hứng thi đấu.
Trong 4 vòng đầu, Djokovic cố gắng dập tắt sự buồn tẻ đó bằng các chiến thắng chóng vánh. Anh đánh bại Hugo Dellien 6-2, 6-2, thắng Jan Lenard Struff 6-4, 6-3, vượt qua Davidovich Fokina 6-3, 6-1, hạ Kei Nishikori 6-2, 6-0.
Và tưởng chừng anh lặp lại điều đó khi dẫn trước Zverev 6-1, 3-2 khi bẻ game giao bóng của đối thủ. Những điểm trước đó, Zverev càu nhàu đập vợt xuống sân, Djokovic tự khuyến khích mình và lấp đầy bốn bề khán đài trống rỗng bằng tiếng hét của anh.
Điều gì chờ đợi Djokovic?
Nhưng bước ngoặt của trận đấu đến mà không hề thông báo, hay cho một manh mối nào rằng nó sẽ đến. Và có lẽ bước ngoặt đó chỉ diễn biến trong đầu Djokovic, rằng sự buồn chán của anh lên đến đỉnh điểm.
Zverev thắng 17 trong số 21 điểm sau đó của set thứ hai, đưa trận đấu về vạch xuất phát. Và set cuối là cuộc "tàn sát" đối với nhà vô địch huyền thoại.
Tỷ số là 0-4, rồi 1-6. Zverev nghĩ, chạy nhanh hơn trong các pha đôi công với Djokovic. Tay vợt người Đức lúc này đóng vai của Djokovic, người giành những chiến thắng vĩ đại nhất từ trong tình thế bấp bênh.
Sau trận đấu, cựu tay vợt Brad Gilbert gọi cuộc lội ngược dòng của Zverev là bất ngờ nhất trong quần vợt kể từ khi Roberta Vinci hạ Serena Williams trong trận bán kết US Open 2015. Đó là thất bại khiến Serena ngậm ngùi chia tay với thành tích “Calendar Grand Slam”, tức là vô địch 4 giải Grand Slam trong một năm, khi chỉ còn cách 1 trận đấu.
Zverev sẽ vào tranh trận HCV với tay vợt người Nga Karen Khachanov. Còn Djokovic đấu trận tranh HCĐ an ủi với Pablo Carreno Busta.
3 năm nữa, Olympic diễn ra ở Paris. Khi đó, anh đã 37 tuổi, liệu rằng bản thân vẫn duy trì được cảm hứng thi đấu?
Điều trước mắt với Djokovic là quên đi thất vọng ở Tokyo. Anh còn tham vọng “Calendar Grand Slam” như của Serena vào năm 2015.
Đó là thành tích mà chỉ duy nhất một tay vợt nam trong kỷ nguyên mở làm được, là Rod Laver vào năm 1969. Đó cũng là nấc thang vĩ đại khiến anh đứng tách biệt hẳn ra với Federer và Nadal trên chiếc thang lịch sử quần vợt.
Có thể trận thua này ở Tokyo sẽ giải thoát cho Djokovic khỏi những gánh nặng. Anh sẽ thanh thoát đầu óc hơn khi có mặt tại New York vào cuối tháng tới, cho một cuộc chinh phục được dự báo còn cam go hơn nhiều.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nac-thang-den-su-vi-dai-cua-djokovic-bi-chan-dung-post1245360.html