Mỹ-Trung đối mặt cuộc chiến tiền tệ

Để đối phó với một loạt động thái áp thuế bổ sung liên tiếp của Mỹ, nhà chức trách Trung Quốc đã hạ giá đồng nhân dân tệ của nước này xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua, khiến Mỹ gọi Bắc Kinh là quốc gia thao túng tiền tệ. Căng thẳng leo thang trong cuộc thương chiến, được châm ngòi từ các đe dọa mới về thuế quan từ Mỹ, được cho là đã làm Bắc Kinh thay đổi chính sách tiền tệ. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc trở nên phức tạp hơn và khiến hai nước đang phải đối mặt với một cuộc chiến tiền tệ khốc liệt.

Kinh tế toàn cầu bị đe dọa

Theo New York Times, hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ với những tác động tiêu cực đối với Mỹ, trong thời gian dài từ khoảng năm 2003-2013. Nhưng cũng có người tranh cãi với chính quyền Trump, cho rằng họ đang gán cho Trung Quốc “công cụ thao túng tiền tệ”. Việc thao túng tiền tệ - bởi Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác - được cho là coi thường luật thương mại quốc tế bằng cách tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng. Giới phân tích lo ngại diễn biến tiêu cực này hoàn toàn có thể bùng phát thành “cuộc chiến tiền tệ” mang nguy cơ gây khủng hoảng không nhỏ, đe dọa nền kinh tế toàn cầu khi hai bên tiếp tục dấn sâu vào vòng xoáy hạ giá nội tệ.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn ý kiến giới chuyên gia khẳng định, “nếu Mỹ và Trung Quốc thực sự lao vào một cuộc chiến tiền tệ, hàng loạt nền kinh tế thế giới sẽ bị vạ lây”. Chuyên gia kinh tế Marcus Ashworth cho rằng nạn nhân phải gánh hậu quả nặng nề nhất từ xung đột này chính là châu Âu và Nhật Bản. Sau nhiều năm áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, cả hai đều cạn kiệt nguồn dự trữ để cứu trợ nền kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu Fred Bergsten, GĐ danh dự của Viện kinh tế quốc tế Peterson nhận định: “Cuộc chiến thương mại giờ đây đã trở thành một cuộc chiến tiền tệ. Chắc chắn người Trung Quốc sẽ có hành động tiếp theo”.

Các nhà phân tích dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục tụt giá. Chiến lược gia chuyên phân tích thị trường Edward Moya nhận định việc đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá là điều “nên được dự kiến” và chúng ta có thể sẽ chứng kiến đồng tiền này “còn mất giá thêm 5% nữa vào cuối năm nay”.

Hãng Capital Economics dự đoán tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT và USD sẽ xuống tới mức 7,3 đồng NDT "ăn" 1 USD vào cuối năm, so với mức 6,9 NDT/1 USD như được đự đoán trước đây.

Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt cuộc chiến tiền tệ khốc liệt. Ảnh tư liệu

Thỏa thuận ngày càng xa vời

Trong khi đó, thương mại Mỹ-Trung đang xấu đi. Ông Trump gây bất ngờ cho cả Trung Quốc lẫn các nhà đầu tư hồi tuần trước khi đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD bắt đầu từ ngày 1-9 và sau đó nhanh chóng liệt Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ” vào ngày 5-8 để trả đũa cho việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ ngừng mua nông sản của Mỹ và cho phá giá đồng NDT.

Giờ đây, thách thức chính trị đối với ông Trump là phải giữ lời hứa hồi tranh cử năm 2016 về đánh bại Trung Quốc. Trong khi đó, thực hiện điều này lại có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế và thị trường chứng khoán tăng điểm kỷ lục trong nhiệm kỳ của ông, vẫn thường được ông thích thú đưa ra để "tính điểm" cho nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Ông David Dollar, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ hiện làm ở Viện Brookings, cho rằng, Tổng thống Trump “hiện phải đối mặt với vấn đề tiến thoái lưỡng nan. Đó là những hành động chống Trung Quốc và cả các đối tác khác thì gây hại cho nền kinh tế Mỹ và hại đến kinh tế toàn cầu. Mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều và điều đó ảnh hưởng lớn đến triển vọng tái đắc cử của một tổng thống đương nhiệm”.

Tập đoàn chuyên về ngân hàng, đầu tư, chứng khoán Goldman Sachs cảnh báo khách hàng trong tuần này rằng việc Mỹ, Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại “giờ đây có vẻ xa vời” vì các quan chức ở Washington và Bắc Kinh hiện “đang có đường lối cứng rắn hơn”.

Chiến lược mạnh tay của ông Trump nhằm thu về nhiều tỷ USD qua thuế quan để gây sức ép, buộc Trung Quốc đi đến bàn đàm phán, đến nay đã có dấu hiệu làm cho kinh tế Mỹ phát triển chậm lại, và cũng có tác động tương tự trên khắp thế giới, khi các DN chần chừ không muốn đầu tư và mua bán vì sự bất định kéo dài.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế nhận định rằng Tổng thống Trump dường như đặt cược vào việc ông có sự bảo đảm ở mức độ nào đó là Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để tránh nền kinh tế phát triển chậm lại, và một thỏa thuận ngân sách cho 2 năm sẽ đẩy mạnh chi tiêu đáng kể, giúp kích thích nền kinh tế Mỹ cùng lúc ông Trump bước vào cuộc bầu cử năm 2020.

Ông Maurice Obstfeld, Giáo sư kinh tế tại ĐH Berkeley, nhận định rằng Tổng thống Trump “đang rất mạo hiểm. Ông ấy đặt cược là nền kinh tế đủ mạnh và FED sẽ phản ứng đủ nhanh nhạy để ông ấy có thể "cưỡi trên sóng" của cuộc chiến thương mại và tiền tệ này và trở thành người chiến thắng mà không làm tổn hại nền kinh tế quá nhiều, nhưng có lẽ ông ấy đang huyễn hoặc chính bản thân mình”.

Đến nay, Trung Quốc dường như sẵn sàng chịu đựng những tổn hại kinh tế hơn là tỏ ra khuất phục trước yêu cầu của Tổng thống Trump, vì có vẻ như Trung Quốc có chiến lược “đánh lâu dài” mà nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn cả nhiệm kỳ tổng thống thứ hai (nếu đạt được) của người từng là ông trùm bất động sản New York. Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện American Enterprise, nhận định, Tổng thống Trump “hoàn toàn đúng khi nói rằng phía Trung Quốc đang cố gắng trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/my-trung-doi-mat-cuoc-chien-tien-te-158414.html