Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm; Ông Biden nêu 3 hướng hành động sẽ thực hiện với Syria
Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ 3 hướng hành động mà Mỹ sẽ thực hiện với Damascus, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm về tình hình Syria, tập trung bảo vệ dân thường, đối phó IS.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước đồng minh nhưng hướng đi có khá nhiều bất đồng trong thời gian nội chiến Syria - đã nhanh chóng có động thái về các diễn biến nóng mới nhất ở Syria.
Trong ngày 8-12, hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc điện đàm về tình hình Syria, tập trung bàn bảo vệ dân thường, ngăn leo thang xung đột, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố 3 hành động mà Mỹ sẽ thực hiện với Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm
Đài CNN dẫn tuyên bố từ Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler vào tối 8-12 để thảo luận về tình hình Syria.
"Bộ trưởng Austin nhấn mạnh rằng Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các tuyên bố và hành động của nhiều nhóm đối lập khác nhau ở Syria. Cả ông Austin và Bộ trưởng Guler đều nhất trí rằng các nhóm này phải thực hiện các bước để bảo vệ dân thường, gồm cả các nhóm thiểu số về dân tộc và tôn giáo, và tuân thủ các chuẩn mực nhân đạo quốc tế" - theo tuyên bố phía Mỹ sau cuộc điện đàm.
Ông Austin và ông Guler cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn tình hình Syria leo thang hơn nữa, tránh rủi ro cho các lực lượng và đối tác của Mỹ, cũng như việc đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ông Biden nêu 3 hành động sẽ thực hiện với Syria
Cũng trong ngày 8-12, Tổng thống Biden đã nêu chi tiết 3 hành động tiếp theo mà chính quyền của ông sẽ thực hiện sau khi chính phủ của Tổng thống Syria - ông Bashar al-Assad sụp đổ.
Trong bài phát biểu từ Nhà Trắng ngày 8-12, ông Biden gọi sự sụp đổ của chính quyền ông Assad là "khoảnh khắc rủi ro" và cũng là cơ hội.
"Đây là khoảnh khắc cơ hội lịch sử để người dân Syria vốn đã đau khổ lâu dài xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước đáng tự hào của họ. Đây cũng là khoảnh khắc rủi ro và bất ổn. Về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác và các bên liên quan ở Syria để giúp họ nắm bắt cơ hội quản lý rủi ro" - ông Biden nói.
Về 3 hành động tiếp theo, thứ nhất, Mỹ sẽ "hỗ trợ các nước láng giềng của Syria, bao gồm Jordan, Lebanon, Iraq và Israel, trong trường hợp có bất kỳ mối đe dọa nào phát sinh từ Syria trong giai đoạn chuyển tiếp này", ông Biden cho hay.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng ông có kế hoạch sẽ nói chuyện với những người đồng cấp của mình trong khu vực "trong những ngày tới" và các quan chức Mỹ cũng sẽ triển khai đến khu vực này.
Thứ hai, theo ông Biden, Mỹ sẽ nỗ lực để đảm bảo sự ổn định ở miền đông Syria, đồng thời cam kết bảo vệ nhân sự Mỹ và tiếp tục sứ mệnh chống lại IS tại khu vực.
Ông Biden cho biết Mỹ đang ưu tiên các nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của IS, đồng thời nói thêm rằng ông "hoàn toàn nhận thức được thực tế rằng IS sẽ cố gắng lợi dụng bất kỳ khoảng trống nào để xây dựng lại sào huyệt".
"Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra" - ông Biden tuyên bố.
Thứ ba, ông Biden cho biết Mỹ cũng có kế hoạch hợp tác với các nhóm ở Syria khi đất nước này chuyển sang một chính phủ mới.
"Chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các nhóm Syria, gồm cả trong quá trình do Liên Hợp Quốc chủ trì, để thiết lập một quá trình chuyển đổi từ chính quyền ông al-Assad sang một chính phủ mới phục vụ cho toàn bộ Syria" - ông Biden nói.
"Quá trình này sẽ do chính người dân Syria quyết định. Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ họ, bao gồm thông qua cứu trợ nhân đạo, để giúp khôi phục Syria sau hơn một thập niên nội chiến” - nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng cảnh báo rằng Washington sẽ “duy trì cảnh giác” và theo dõi chặt chẽ các hành động của các nhóm phiến quân. Một trong những nhóm phiến quân chủ chốt dẫn đầu cuộc nổi dậy ở Syria là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), vốn bị Mỹ chỉ định là một tổ chức khủng bố.