Mỹ tăng thuế, doanh nghiệp FDI ở Việt Nam sẽ ứng xử ra sao?

Dù Mỹ tăng thuế quan lên các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, sẽ khó có tình trạng doanh nghiệp rút khỏi Việt Nam.

Đối đầu thuế quan leo thang

Vài ngày qua, sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng lên các mặt hàng nhập khẩu vào nước này từ hơn 180 đối tác thương mại, với mức thuế quan dao động trong khoảng 10 – 50%, đã khiến cả thế giới dậy sóng.

Chúng ta thức dậy, nhìn thấy tin tức Việt Nam là một trong những thị trường bị Mỹ áp thuế cao nhất thế giới – thuế suất 46%. Chỉ vài ngày nữa, ngày 9/4 tới đây, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ đối mặt với mức thuế cao nhảy vọt.

Nhà Trắng cho biết, các mức thuế này được tính toán dựa trên những rào cản thương mại phức tạp, đưa ra con số 90% là ước tính mức thuế mà Việt Nam áp lên Mỹ. Và kết quả thuế suất 46% được đưa ra như một mức giảm giá sâu.

Có những thông tin xoay quanh việc tính toán này, nói rằng phía Nhà Trắng chỉ đơn giản lấy tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, chia cho mức thặng dư thương mại mà Việt Nam có với Mỹ và đưa ra con số 90%.

Công thức ấy giống như một bài tập làm nhóm của học sinh trung học về cách tính toán. Nhưng dù thế nào, đây cũng không phải là chuyện đơn giản, bởi mức thuế ấy sẽ ảnh hưởng lên đất nước hơn 100 triệu dân này, tác động tới việc làm và những cơ hội tạo ra sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

Nhìn lại lịch sử hàng chục năm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, chúng ta có thể thấy giờ đây, rất nhiều công ty và nhà đầu tư Mỹ hoạt động sôi nổi trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự hiện diện đó đã tạo ra sự thịnh vượng, công ăn việc làm chất lượng cao và nhiều phúc lợi khác. Người dân ở cả hai quốc gia đều đã được hưởng lợi rất lớn từ những điều này.

Thương mại là nền tảng của mối quan hệ song phương và một sự thay đổi lớn đã diễn ra. Sau ba thập kỷ, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đi từ 450 triệu USD đã lên tới hơn 130 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh việc là một trong bốn nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, Mỹ còn là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam trong nhiều năm liền. Ngược lại, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.

Tất cả những điều này là một phần bối cảnh cho sự kiện chấn động vừa qua khi ông Donald Trump tuyên bố, theo quan điểm của ông, thời đại toàn cầu hóa đã chấm dứt.

Tác giả Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham)

Tác giả Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham)

Tôi không nghĩ rằng ông Trump có ý định làm điều gì đó tiêu cực với riêng Việt Nam. Vấn đề này thực ra khá đơn giản: ông Trump và các cộng sự, đơn cử như Peter Navarro – người từng làm cố vấn thương mại cho Nhà Trắng – trong suốt sự nghiệp luôn giữ quan điểm rằng, thâm hụt thương mại chính là thước đo cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa một quốc gia và Mỹ có lành mạnh hay không.

Nếu có điểm gì tích cực thì đó là việc Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác hiệu quả với Mỹ. Vì vậy, các quan chức cấp cao của Việt Nam có thể trao đổi và đàm phán với chính quyền của ông Trump để tìm ra câu hỏi lớn: Chúng ta sẽ làm gì với điều này?

Các quốc gia sẽ cử người đến Washington, giống như Việt Nam sẽ làm trong vài ngày tới. Những quốc gia khác cũng sẽ làm tương tự, gọi điện hoặc gửi thông điệp để cố gắng đạt được thỏa thuận tốt hơn cho đất nước của họ.

Ông Donald Trump là một người thích đàm phán và ông cùng đội ngũ của mình sẽ nhanh chóng nhận ra những tác động mà điều này gây ra. Liệu họ có quan tâm đến tác động đối với các công ty tại Việt Nam hay không? Tôi không biết câu trả lời.

Nhưng điều tôi biết là, các mức thuế mà Tổng thống Trump vừa công bố sẽ dẫn đến lạm phát và giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ và điều đó sẽ không được lòng người dân Mỹ. Bởi vậy, vị tổng thống đứng trước áp lực phải làm điều gì đó.

Nếu các quốc gia có thể tìm ra cách để đạt được thỏa thuận với Tổng thống Trump, tôi nghĩ sẽ có sự thay đổi. Vậy nên, khi ông Donald Trump giơ những tấm bảng với đầy con số trên đó, thì liệu những con số đó có giữ nguyên sau một tuần hay một tháng không? Tôi không biết câu trả lời, nhưng tôi hy vọng câu trả lời với Việt Nam là chúng sẽ thay đổi, bởi vì cả Việt Nam và Mỹ đều có rất nhiều điều để cùng nhau gặt hái khi hợp tác trong kinh doanh.

Lượng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ mang lại lợi ích cho chính người dân Mỹ - những người đang được hưởng lợi từ các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng lựa chọn, giá cả phải chăng. Vấn đề không chỉ nằm ở con số thâm hụt thương mại hơn 123 tỷ USD, cũng không chỉ là những chiếc nón lá hay trái sầu riêng được làm tại Việt Nam.

Đó là các sản phẩm được sản xuất bởi rất nhiều công ty đã chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy, đơn giản vì đây là một địa điểm sản xuất tốt. Nếu bạn hỏi tại sao Samsung, Apple, Nike và hàng trăm công ty khác lại sản xuất tại Việt Nam, thì lý do không phải là vì chất lượng không khí ở Hà Nội hay vì họ đặc biệt thích đồ ăn ở đây; họ làm vậy vì đó là một quyết định kinh doanh hợp lý.

Các khoản đầu tư vào Việt Nam sẽ không chấm dứt

Liệu điều này có làm gián đoạn thương mại và kinh tế toàn cầu? Có, chắc chắn là như vậy. Nếu bạn là CEO của một tập đoàn đa quốc gia, thì rất có thể bạn đã có một buổi sáng đầy lo lắng. Có thể bạn đã phải tổ chức họp khẩn để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra và sẽ phải làm gì tiếp theo.

Liệu điều này có tệ cho Việt Nam không, mức thuế mới này có đồng nghĩa với việc tất cả các khoản đầu tư vào Việt Nam sẽ chấm dứt không? Không.

Vậy liệu các công ty sẽ rút khỏi Việt Nam không? Cũng không.

Thương mại toàn cầu không vận hành như vậy. Thị trường tiêu dùng toàn cầu cũng không hoạt động theo cách đó. Việc chuyển đổi chuỗi cung ứng từ nước này sang nước khác là quá trình chậm, tốn kém và đầy thách thức, và thực lòng mà nói, chẳng ai muốn làm điều đó trừ khi họ buộc phải làm.

Các khoản đầu tư vào Việt Nam sẽ không chấm dứt. Ảnh: Hoàng Anh

Các khoản đầu tư vào Việt Nam sẽ không chấm dứt. Ảnh: Hoàng Anh

Rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cảm thấy lo lắng vì phải đánh giá xem tác động của điều này sẽ ra sao trong tương lai nhưng phần lớn các công ty hiện vẫn chưa thể biết rõ ràng. Các công ty hiện nay thực sự không thể đưa ra quyết định là họ nên làm gì ngay lúc này, bởi rất có thể vài ngày nữa, ông Trump lại thay đổi ý kiến và điều này không phải là chưa từng xảy ra.

Do đó, ý tưởng chi một khoản tiền khổng lồ để chuyển sản xuất sang Bangladesh chẳng hạn sẽ chẳng có công ty nào làm ngay lập tức mà ngược lại, họ sẽ cố gắng tìm cách giảm thiểu tác động.

Cùng với đó, bất kỳ khoản đầu tư nào ở bất kỳ đâu trên thế giới hiện tại, dù kế hoạch cho năm 2025 là gì đi nữa, mọi thứ vẫn đang nhìn nhận lại triển vọng cẩn trọng hơn thay vì thay đổi nhanh chóng.

Nguyên nhân là bởi các kế hoạch đầu tư mất rất nhiều thời gian. Từ quyết định mở thêm một nhà máy ở Việt Nam cho đến khi có người làm việc trong nhà máy đó phải mất vài năm để hoàn thành. Doanh nghiệp phải lên kế hoạch, làm các phép tính, xin phép chính phủ và rõ ràng quá trình này luôn mất rất nhiều thời gian.

Thậm chí quá trình triển khai kế hoạch cũng không xảy ra ngay lập tức hay trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, đối với nhiều công ty có các dự án dài hạn, việc thay đổi có thể là một vấn đề lớn.

Nhiều người từng nhận định rằng, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, bởi vì ông đã áp thuế với hàng hóa Trung Quốc và các công ty chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhờ đó thương mại giữa hai nước tăng mạnh.

Không có lý do gì mà điều đó sẽ không tiếp tục xảy ra, nhưng hãy nhớ rằng, mọi thứ không diễn ra chỉ trong một ngày hay một tháng.

Các công ty đã bàn đến chiến lược “Trung Quốc + 1” từ rất lâu – nghĩa là không bỏ hết trứng vào một giỏ. Người ta bắt đầu đa dạng hóa vào những nước như Việt Nam từ nhiều năm trước.

Chúng ta đã chứng kiến trong đại dịch Covid, khi các đơn hàng bị hủy và những hạn chế được áp dụng, dẫn tới sự gián đoạn lớn trong thương mại toàn cầu. Và sau đó, các công ty bắt đầu lên kế hoạch cho khả năng ông Trump tái đắc cử. Đi cùng với đó là câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, hay Mexico? Vì thế, chuyện xảy ra không phải là điều bất ngờ, tất cả đều đã được dự liệu trước.

Không có gì nghi ngờ rằng việc tăng thuế sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam. Và càng kéo dài, tác động tiêu cực của các mức thuế quan này lên nền kinh tế Việt Nam sẽ càng lớn, vì nhiều lý do, và không phải là vì tất cả các công ty sẽ rời bỏ Việt Nam.

Vấn đề nằm ở chỗ, giá cả ở Mỹ sẽ tăng và người tiêu dùng Mỹ – những người đang mua rất nhiều hàng hóa từ Việt Nam – sẽ mua ít đi. Và khi họ mua ít đi, như đã thấy vào năm 2001 và 2002 sau đại dịch, nhiều nhà máy phải giảm hoạt động. Chính sách thuế quan mới của Mỹ rõ ràng sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8 – 10% Việt Nam.

Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam

Tôi muốn dành lời khen ngợi cho Chính phủ Việt Nam, điều mà mọi người đều biết là tôi hiếm khi làm. Nhưng lần này, tôi sẽ làm vậy, bởi vì trong hai tháng qua, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc tiếp cận với chính quyền ông Trump, cố gắng làm những điều có thể để chứng minh: Việt Nam nghiêm túc trong giải quyết, hay ít nhất là giảm thiểu, thâm hụt thương mại lớn mà Việt Nam đang có với Mỹ.

Các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng đã rất nghiêm túc trong việc thực hiện các hành động nhằm giải quyết những vấn đề mà công ty và nhà đầu tư Mỹ gặp phải tại Việt Nam, từ đó giúp việc kinh doanh tại đây trở nên dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam.

Đã có nhiều chuyến công tác tới Washington, đã có những thay đổi quy định chưa từng thấy, cùng các thông tin về việc mua thêm máy bay, nhập khẩu LNG, giảm thuế nhập khẩu cho một số mặt hàng từ Mỹ như sản phẩm nông nghiệp và những loại hàng hóa khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành ba tiếng đồng hồ để làm việc cùng tôi và một nhóm các công ty Mỹ – hai lần trong tháng trước – để trực tiếp lắng nghe các khiếu nại của chúng tôi.

Bởi vì, một trong những điều mà chính quyền ông Trump đang xem xét là các rào cản thương mại – thuế quan và những thứ tương tự, muốn biết lý do tại sao việc kinh doanh của các công ty Mỹ tại Việt Nam lại khó khăn và Chính phủ Việt Nam đang phản ứng thế nào trước những mối quan ngại đó.

Tôi rất trân trọng vai trò của Chính phủ Việt Nam. Tôi đã sống ở đây hơn 20 năm nay, và trong công việc này, tôi đã nhiều lần chứng kiến Chính phủ Việt Nam chủ động và quyết liệt như thế nào trong việc xử lý quan hệ với Chính phủ Mỹ.

Tôi nghĩ điều đó rất tuyệt vời, và tôi biết điều đó sẽ tiếp tục diễn ra hôm nay, ngày mai và sau này, bởi vì Chính phủ Việt Nam – người Việt Nam là những nhà đàm phán giỏi, điều đó ai cũng biết. Mỹ đã hiểu điều đó từ cuối thời kỳ chiến tranh, và điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay: Chính phủ Việt Nam sẽ bước vào bàn đàm phán với mục tiêu đạt được một thỏa thuận công bằng, phù hợp và mang lại lợi ích cho người dân của cả hai nước.

* Bài viết thể hiện quan điểm của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham).

Adam Sitkoff*

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/my-tang-thue-doanh-nghiep-fdi-o-viet-nam-se-ung-xu-ra-sao-d39619.html