Mỹ phản ứng thế nào khi Nga tuyên bố rút khỏi Trạm vũ trụ quốc tế sau năm 2024?
Ngày 26/7, Tổng giám đốc Tập đoàn vũ trụ quốc gia Nga Roscosmos mới được bổ nhiệm Yury Borisov tuyên bố, nước này quyết định rút khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) 'sau năm 2024'.
Ông Borisov nêu rõ: "Tất nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ với đối tác, nhưng quyết định rời ISS sau năm 2024 đã được đưa ra".
Theo ông, "vào thời điểm đó, chúng ta sẽ bắt đầu lắp đặt một trạm vũ trụ của Nga”, gọi đây là “ưu tiên” chính trong chương trình vũ trụ của Nga.
Trước thông tin này, Giám đốc ISS thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Robyn Gatens cho biết trong một hội nghị: "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ lời thông báo chính thức nào từ đối tác về việc này".
Bản thân NASA có kế hoạch ngừng hoạt động của ISS - một biểu tượng của sự hợp tác sau Chiến tranh lạnh - sau năm 2030 khi chuyển sang làm việc với các trạm vũ trụ thương mại, và bà Gatens cho rằng, Nga có thể đang suy nghĩ về quá trình chuyển đổi của chính nước này.
Khi được hỏi liệu bà có muốn mối quan hệ Mỹ-Nga trong lĩnh vực hàng không vũ trụ kết thúc hay không, bà trả lời: "Không, hoàn toàn không. Nga là đối tác tốt, như tất cả các đối tác của chúng tôi và chúng tôi muốn cùng nhau hợp tác để tiếp tục vận hành ISS trong suốt thập niên tới".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington lấy làm tiếc về thông báo của Moscow.
Ông nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên trước việc Nga công bố sẽ rời khỏi ISS. Đó là một diễn biến đáng tiếc do một công trình khoa học quan trọng đang được thực hiện tại ISS".
Theo quan chức ngoại giao Mỹ, đây là sự hợp tác chuyên môn quý giá mà các cơ quan vũ trụ có được trong những năm qua.
ISS là công trình nằm trên quỹ đạo Trái đất do Mỹ, Nga và một số đối tác quốc tế xây dựng.